"Cần tiếp tục giảm thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu"

Vân Anh | 08:56 25/05/2022

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, TS. Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.

"Cần tiếp tục giảm thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu"
Nếu cứ điều chỉnh giá xăng dầu liên tục sẽ tác động tới tất cả các ngành hàng hóa.

TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, trước diễn biến tình hình kinh tế - chính trị thế giới trở nên phức tạp, xung đột Nga - Ukraine và những biện pháp trừng phạt tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu; trực tiếp là giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực, kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao.

Tại Mỹ, lạm phát lên đến 8,5% cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu hay tại châu Âu, lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Trong khi đó, Việt Nam đang có cơ hội để kìm tốc độ tăng của lạm phát thì phải sử dụng, nếu không cứ điều chỉnh giá xăng dầu liên tục sẽ tác động tới tất cả các ngành hàng hóa và khi đó sẽ khó kiềm chế, kiểm soát.

Trong trường hợp phải sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát sẽ để lại những hậu quả tiêu cực.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội kháo XV này đại biểu sẽ có ý kiến phát biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải xem xét nhanh vấn đề này. Theo đó cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt.

TS. Trần Hoàng Ngân phân tích nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong tình trạng người dân đã rất khó khăn sau 2 năm đại dịch lấy đi phần tích lũy của người dân. Nay lại gặp “bão giá”, người dân sẽ hết sức vất vả.

Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistic… Đối với ngân sách nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách, nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo.

Vì giá cả lên thì chi ngân sách tăng lên, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất nguy kịch, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí. Vì vậy, phải chặn ngay vấn đền này.

TS. Trần Hoàng Ngân phân tích thêm, những năm lạm phát cao như năm 1986, 1987, 1988 là thời điểm Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, hạch toán kinh doanh, quy định tỷ giá sát thị trường và chấp nhận cơ chế giá thị trường.

Bài học gần nhất là năm 2008, lúc đó biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng, lạm phát tăng nhanh và khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả các chi phí giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Khi lạm phát cao ở mức độ 2 con số, liều thuốc các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải “uống thuốc” liều cao. Việt Nam phải dùng lãi suất cao, có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%. Nền kinh tế lúc đó đang tăng trưởng 7,5 – 8,4% thì còn 6% và nặng nhất 2011-2012, Việt Nam phải chấp nhận không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Cần tiếp tục giảm thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO