Tìm “kế” giảm áp lực lạm phát do giá xăng dầu

Hải Sơn | 09:11 20/05/2022

Giá xăng trong nước đã tăng lên hơn 30.000 đồng/lít sau kỳ điều hành ngày 11/5. Theo chuyên gia, cần phải có dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế Việt Nam không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu.

Tìm “kế” giảm áp lực lạm phát do giá xăng dầu
Cần có dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu.

Kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng liên tục gặp phải các “cú sốc” từ giá xăng dầu tăng, tác động đến mọi mặt của đời sống. Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là dự trữ xăng dầu.

Đẩy mạnh dự trữ xăng dầu

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia, trong một cuộc Hội thảo mới đây đánh giá, lạm phát kinh tế của Việt Nam sẽ tăng so với mức lạm phát mục tiêu đề ra, song mức 4,5% trong năm 2022 vẫn có thể chấp nhận được. Nhất là hiện nay, khi giá xăng dầu cao nó tác động rất lớn đến doanh nghiệp và cả người dân.

“Chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận sẽ bị thu hẹp lại, chi phí đầu vào tăng nhanh, trong khi đó đầu ra không tăng tương ứng, chính vì vậy doanh nghiệp phải rất chú ý cơ cấu lại lao động, nâng cao năng suất, đa dạng hoá nguồn hàng, phân tán rủi ro…” TS. Lực nói.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam cần phải có giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là dự trữ xăng dầu. Dự trữ tốt sẽ giúp kinh tế Việt Nam không bị động trước diễn biến khó lường từ giá xăng dầu.

Ông Lâm, đánh giá vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ khoảng 5-7 ngày. Đây là con số quá ít so với các nước. Dự trữ xăng dầu không tốt sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng và lạm phát.

Về dự trữ xăng dầu, TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, Việt Nam cần phải đẩy mạnh dự trữ xăng dầu bằng hàng thay vì bằng tiền. Như Mỹ,  dự trữ rất tốt nên vừa qua nước này đã xuất kho để giảm giá xăng dầu, đồng thời Bộ Thương mại Mỹ cũng có chính sách mua 60 triệu thùng dầu để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp. Nhiều nước cũng có quy định dành bao nhiêu phần trăm kinh phí để dự trữ xăng dầu.

Lý giải về giá xăng dầu trong nước tăng trong kỳ điều hành ngày 11/5, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, theo Bộ Công Thương thị trường xăng dầu thế giới tuần qua có nhiều biến động lớn. Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô tăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch mua 60 triệu thùng để bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp.

Giảm áp lực lạm phát

Trước diễn biến phức tạp của cuộc giao tranh giữa Nga – Ukraine, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục neo ở mức cao, điều này đồng nghĩa với việc khả năng lạm phát tiếp tục kéo dài. Để làm giảm áp lực lạm phát, ngoài vấn đề dự trữ xăng dầu, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam cần thực hiện hàng loạt biện pháp, trong đó có cả vai trò của Chính phủ các bộ ngành cũng như các doanh nghiệp.

Đối với Chính phủ, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại, khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng, TS. Lâm đề xuất.

Với cộng đồng doanh nghiệp, cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các Bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tìm “kế” giảm áp lực lạm phát do giá xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO