Bộ trưởng Tài chính: Thuế chỉ là một trong số công cụ giảm giá xăng dầu

Phạm Minh | 13:21 02/06/2022

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần giảm thêm thuế đối với xăng dầu để kìm đà tăng mặt hàng này. Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thực tế muốn giảm giá xăng dầu cần đồng bộ nhiều giải pháp, và thuế chỉ là một trong số công cụ.

Bộ trưởng Tài chính: Thuế chỉ là một trong số công cụ giảm giá xăng dầu
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: QH)

Ngày 2/6, ngày thứ 2 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng giá đầu năm 2022 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, làm rõ một số vấn đề về giảm thuế phí xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đồng tình cho rằng giá xăng dầu đang rất "nóng”..

Sau lần thứ 5 tăng giá liên tiếp, trong kỳ điều chỉnh ngày 1/6, giá xăng E5 RON 92 hiện ở mức 30.230 đồng/lít; RON 95 là 31.570 đồng/lít. Việc giá xăng dầu tăng quá cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi.

Theo Bộ trưởng Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm thêm thuế đối với xăng dầu để kìm đà tăng mặt hàng này. Ông Phớc khẳng định sẽ cân nhắc, đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ, để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc giảm thêm thuế với mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong mỗi lít xăng ở nhiều nước là 45-60%, còn tại Việt Nam hiện khoảng 29-31%. Ví dụ, xăng RON 92 (loại xăng nền dùng để pha chế xăng E5 RON 92) với giá nhập khẩu hiện khoảng 22.000 đồng/lít, tiền thuế là 8.000 đồng/lít, tương đương khoảng 28%.

Bộ trưởng cũng cho biết, từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% đến hết năm nay. Dư địa loại thuế này hiện còn 2.000 đồng mỗi lít xăng; 1.000 đồng với dầu và thẩm quyền quyết định thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, cơ cấu thuế trong mỗi lít xăng hiện còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT…, các loại thuế này thuộc thẩm quyền quyết định ở Quốc hội.

"Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, mỗi năm sản xuất được hơn 8 triệu thùng dầu thô. Giá dầu thô tăng cũng bù đắp ngân sách được một phần, nhưng chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa, nên khi giảm thuế sẽ phải cắt giảm các khoản chi, trong khi chính sách tài khóa đã được duyệt", Bộ trưởng Tài chính nêu.

Bộ trưởng cũng cho rằng, thực tế muốn giảm giá xăng dầu cần đồng bộ nhiều giải pháp, và thuế chỉ là một trong số công cụ. Ngoài thuế, Bộ trưởng Tài chính nói cần phải tính tới tăng cường chống buôn lậu với mặt hàng này.

Bởi nếu giá trong nước chênh lệch nhiều với một số nước trong khu vực (thấp hơn các nước) sẽ dẫn tới tình trạng thẩm lậu xăng dầu. Hiện giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào khoảng 11.000 đồng/lít, Campuchia 3.000 đồng/lít…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, phải thúc đẩy nguồn cung xăng dầu, tức nâng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng phần lớn nguồn cung trong nước.

Trước đó, cả ngày 1/6 khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề giá xăng dầu trong bối cảnh mặt hàng này đang tăng "nóng".

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay, việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%, riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021, tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Bởi giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng "domino" với giá cả các mặt hàng khác.

"Hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", ông Ngân kiến nghị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ trưởng Tài chính: Thuế chỉ là một trong số công cụ giảm giá xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO