Trên thị trường quốc tế, giá gas (Hợp đồng tương lai khí tự nhiên Natural Gas - mã hàng hoá: NGE) hôm nay (25/9) ghi nhận tăng nhẹ lên mức 2,64 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2023, tăng 1,2% so với phiên giao dịch trước.
Vào 21/9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động đợt mua khí đốt lần thứ ba, nhằm đảm bảo nhu cầu của các nước thành viên trước mùa Đông, cũng như tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. EU đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập từ Nga.
EC hiện đang kêu gọi các công ty châu Âu đến ngày 27/9 gửi yêu cầu về tổng lượng khí đốt. Sau đó, cơ quan này sẽ tìm kiếm các công ty chào hàng trên thị trường quốc tế từ ngày 3/10 đến ngày 4/10. Nếu giao dịch được ký kết, các đợt giao hàng dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2025.
Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic cho rằng tình hình thị trường khí đốt vẫn diễn biến căng thẳng. Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cần thận trọng theo dõi thị trường để có thể tiếp tục triển khai việc mua chung khí đốt nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định với mức giá tốt hơn.
Ở thị trường châu Á, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á đã tăng 1 USD do hoạt động mua hàng của Trung Quốc, Ấn Độ và mức tồn kho ở Nhật Bản sụt giảm, theo Reuters.
Tại Trung Quốc, Unipec - chi nhánh thương mại của nhà máy lọc dầu hàng đầu châu Á Sinopec, đã mua hơn 30 lô hàng LNG thông qua đấu thầu giao hàng từ tháng 10/2023 đến cuối năm 2024 để đáp ứng nhu cầu mùa Đông và tăng cường nguồn cung giao dịch.
Ngoài ra, nhà phân phối khí đốt lớn nhất Ấn Độ, GAIL, đã phát hành gói thầu tìm kiếm lô hàng LNG giao hàng vào tháng 10.
Theo dữ liệu do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố, tồn kho LNG do các công ty điện lực lớn của Nhật Bản nắm giữ đã giảm xuống 1,62 triệu tấn tính đến ngày 17/9, thấp hơn mức trung bình 5 năm trong giai đoạn này.
Thị trường trong nước cũng chứng kiến sự thay đổi từ ngày 1/9 khi giá gas trong nước ghi nhận tăng theo đà tăng của thế giới. Cụ thể, với loại bình gas 12kg tăng 33.000 đồng/bình, tương đương tăng khoảng 2.750 đồng/kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 444.000 đồng/bình 12kg và 1.848.500 đồng/bình 50kg.
Công ty Cổ phần kinh doanh gas LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng thông báo, từ ngày 1/9 giá bán PetroVietNam Gas tăng 33.000 đồng/bình 12kg và 123.750 đồng/bình 45kg.
Với thương hiệu City Petro cũng thông báo tăng giá 124.000 đồng loại bình gas 45kg, 137.500 đồng đối với bình gas 50kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đối với loại bình gas 12kg của hãng này là 444.000 đồng sau tăng giá.
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (SaigonPetro) cũng thông báo tăng giá bán gas thành phẩm ở mức 2.750 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương tăng 33.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, mỗi bình gas 12 kg sẽ được bán ở mức 406.500 đồng.
Ngoài ra, Công ty Gas Petrolimex Sài Gòn cũng tăng 12.000 đồng/bình kể từ ngày 1/9, giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng sau điều chỉnh là 404.000kg/bình 12kg.
Công ty Gas Pacific Petro tăng 12.000 đồng/bình 12kg, giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng là 397.000/bình 12kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 4 lần tăng (tháng 2, tháng 5, tháng 8 và tháng 9).