Trên thị trường quốc tế, giá dầu sáng ngày 13/6 (theo giờ Việt Nam) ghi nhận giảm mạnh trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed. Cụ thể, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 2,34 USD/thùng, xuống mức 67,84 USD/thùng; giá dầu Brent giảm 2,15 USD, xuống mức 72,74 USD/thùng.
Các nhà phân tích dự đoán, nhiều khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất sau 1 năm tăng mạnh để kiềm chế lạm phát. Nếu đúng như dự báo trên, quyết định này của Fed sẽ giúp giá dầu tăng trở lại.
Việc Fed tăng lãi suất đã củng cố đồng bạc xanh, khiến hàng hóa định giá bằng đồng đô la trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác và gây áp lực lên giá cả.
Theo thông tin từ Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), ngân hàng này đưa ra dự báo giá dầu sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung cao hơn dự kiến từ Nga và Iran. Đồng thời, Goldman Sachs cũng nâng dự báo nguồn cung năm 2024 cho hai quốc gia sản xuất dầu này và Venezuela thêm 800.000 thùng/ngày.
Ở thị trường xăng dầu trong nước, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều hành giá xăng dầu từ 15h ngày 12/6.
Cụ thể, cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên mức giá xăng E5 RON 92 và xăng RON 95. Mức giá bán lẻ tối đa lần lượt là 20.870 đồng/lít và 22.010 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh tăng nhẹ trong đợt điều hành này. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 85 đồng, lên 18.030 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 52 đồng/lít, lên 17.823 đồng/lít. Còn dầu mazut giảm 164 đồng/kg, xuống còn 14.719 đồng/kg.
Với đợt điều chỉnh kể trên, giá xăng trong nước đã giữ nguyên sau 2 lần điều chỉnh tăng liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 9 lần tăng, 6 lần giảm và hai lần giữ nguyên.
Theo báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố, tính đến hết quý I, tổng số dư quỹ đã tăng lên mức 5.640 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý I/2021 đến nay. Theo Bộ Tài chính, so với quý liền trước, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng hơn 1.040 tỷ đồng.