Bản đồ dầu mỏ toàn cầu đang được vẽ lại khi tác động lâu dài của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây khiến dầu Nga đang chảy ngày càng nhiều hơn đến châu Á. Trung Quốc cũng đang mạnh tay nhập khẩu dầu thô từ Iran và Venezuela.
Theo dữ liệu từ Kpler, nhập khẩu dầu từ 3 quốc gia này trong tháng 4 đang chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ. Con số này tăng từ mức chỉ 12% vào tháng 2/2022. Trong khi đó, nhập khẩu từ các nhà cung cấp truyền thống đang bị siết chặt. Dòng chảy dầu từ Tây Phi và Mỹ đã giảm lần lượt 40 và 35%.
“Rõ ràng, những người mua châu Á đang là người chiến thắng ở đây vì nhập được dầu giá rẻ”, Wang Nengquan, cựu chuyên gia kinh tế tại Sinochem Energy nói. Theo ông Wang, châu Á, dẫn đầu là Ấn Độ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong những tháng gần đây. Điều này về cơ bản đã giúp Moscow khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ trở lại bình thường.
Việc dòng chảy dầu thô nhanh chóng định hình lại cho thấy sự linh hoạt cảu thị trường hàng hóa quan trọng nhất thế giới, nơi nhu cầu toàn cầu đạt khoảng 100 triệu thùng/ngày.
Sau xung đột Nga - Ukraine, các quốc gia phương Tây đã ngăn chặn dòng dầu thô và sản phẩm từ dầu của họ và áp đặt cơ chế giá trần để đẩy dầu đi nơi khác. Cơ chế phức tạp này, vốn được Mỹ ủng hộ, được thiết kế như một cách hạn chế nguồn tiền của Điện Kremlin nhưng vẫn giữ cho nguồn cung toàn cầu không bị ảnh hưởng.
Trong khi Nga thành công trong việc chuyển hướng dòng chảy dầu thô, họ đã mất hầu hết các khách hàng cũ. Xuất khẩu dầu mỏ của Nga giờ đây phụ thuộc lớn vào một số ít quốc gia, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này mang lại cho các nhà máy lọc dầu ở đây sức mạnh khổng lồ.
Giữa 2 quốc gia này, Ấn Độ có nhu cầu lớn nhất đối với dầu thô của Nga trong khi Trung Quốc vẫn duy trì mua dầu của Iran, Venezuela với chiết khấu cao, bên cạnh dầu Nga. Mỹ từ lâu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu thô của 2 quốc gia này.