Giá cà phê trong nước tiếp tục phục hồi

Thu Hà | 17:09 05/08/2022

Trái ngược với đà giảm của cà phê thế giới, giá cà phê nội địa đang tăng trưởng tốt, trung bình tăng thêm 2.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cần tận dụng các cơ hội để tìm kiếm thị trường mới.

Giá cà phê trong nước tiếp tục phục hồi
Ngành cà phê Việt Nam cần tận dụng các cơ hội để mở rộng thị trường.

Theo khảo sát của MarketTimes, thị trường cà phê trong nước tuần qua ( từ ngày 1-4/8), tăng mạnh 1.800 đồng/kg và trên ngưỡng 44 triệu đồng/tấn.. Cho đến phiên giao dịch hôm nay (5/8), tại thị trường thế giới và trong nước đồng loạt tăng. Trong đó, giá cà phê trong nước tăng nhẹ 300 đồng/kg, lên mức 44.300-44.800 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước có thêm phiên thứ 2 liên tiếp tăng nhẹ, và đang dần áp sát ngưỡng 45 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, cà phê tại Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng hôm nay đang thu mua ở giá 44.300 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê hôm nay giữ ở mức 44.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) và Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê hiện cùng giữ mức 44.700 đồng/kg.

Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp của tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay lần lượt thu mua ở mức 44.700 và 44.600 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Chư Prông tỉnh Gia Lai đang ở mức 44.700 đồng/kg; ở Pleiku và La Grai cùng mức 44.600 đồng/kg. Còn, giá cà phê tại tỉnh Kon Tum đang thu mua với mức 44.700 đồng/kg.

gia-ca-phe.png
Giá cà phê trong nước tuần qua tương đối khả quan.

Trên thế giới, giá cà phê ngày 5/8 đồng loạt tăng ở cả 2 sàn giao dịch lớn và tiếp tục được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu đi. Trong phiên đầu giao dịch ngày 5/8 (theo giờ Việt Nam), chỉ số DXY trên thị trường Mỹ giảm 0,75%, xuống mốc 105,76.

Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 9/2022 tăng 19 USD/tấn ở mức 2.045 USD/tấn, giao tháng 11/2022 tăng 18 USD/tấn ở mức 2.041 USD/tấn.

Còn giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 9/2022 tăng 4,65 cent/lb, ở mức 219,3 cent/lb, giao tháng 12/2022 tăng 4,5 cent/lb, ở mức 215,275 cent/lb.

Đồng USD giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi thêm những dữ liệu kinh tế khác và hy vọng về việc Fed sẽ tiến hành các đợt tăng lãi suất lớn hơn nhằm kiềm chế lạm phát.

Hiện thời tiết nắng nóng tại Âu Mỹ hạn chế tiêu thụ cà phê. Thêm vào đó, các hãng kinh doanh cà phê thường nghỉ hè từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8 hàng năm, nên sức mua hàng thực đang giảm mạnh. Chính vì vậy, giá cà phê trên hai sàn sẽ được điều khiển bởi giới đầu tư tài chính, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tiền tệ, lạm phát…

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để tìm kiếm thị trường mới

Nhờ thời tiết khá thuận lợi, nhiều người tin rằng năm nay, hàng cà phê Việt Nam sẽ ra sớm hơn các năm trước.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, giá cà phê nội địa vẫn đang tăng dần, có lúc cà phê Robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ lên cận 46 triệu đồng/tấn giao hàng về các kho quanh TP Hồ Chí Minh. Đây là mức cao nhất trong niên vụ này.

Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã phải đối mặt với khó khăn do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và chính sách "Zezo Covid" của Trung Quốc. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý II/2022 đạt xấp xỉ 437,2 nghìn tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, giảm 14,9% về lượng và giảm 14,1% so với quý I/2022, nhưng so với quý II/2021 tăng 12% về lượng và tăng 35,6% về trị giá.

Sang quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến trạng lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ suy yếu và giá cà phê ở mức thấp. Nếu xung đột vũ trang Nga và Ukraine chưa sớm chấm dứt, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại của quý III/2022.

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, nhằm tạo đà cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khai thác tốt tại những thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... bên cạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tìm kiếm thị trường mới.

Để phát triển chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm cho hạt cà phê, hồ tiêu, chúng ta phải xây dựng nhiều nhà máy chế biến cho ngành nông nghiệp và khuyến khích các nhà máy chế biến sâu bằng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương như quỹ đất, thuế, vốn... để các doanh nghiệp tập trung hơn vào việc chế biến rộng, chế biến sâu nhằm giải quyết được lượng nông sản của bà con cũng như gia tăng chất lượng cho các sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển các tập đoàn nông nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam để dẫn dắt thị trường nông nghiệp trong nước. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp phải luôn đặt chiến lược chế biến sâu, không ngừng sáng tạo tìm ra sản phẩm mới và đi tìm thị trường ngách vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp mình.

Đặc biệt, để tạo ra một hướng liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa ngành nông nghiệp, ngành logistics, ngành xuất khẩu, các doanh nghiệp có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến để quảng bá trực tuyến và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Từ đó có thể hướng ngành sản xuất cà phê Việt Nam phát triển sâu rộng, bền vững, cần xây dựng sàn giao dịch hàng hóa để có thể tập trung, liên kết xử lý lượng lớn hàng hóa nông sản và tạo ra một chuỗi liên thông, gắn kết hỗ trợ sự phát triển chung của tất cả các ngành.

Ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giá cà phê trong nước tiếp tục phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO