Theo đó, HĐQT Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt, HOSE: PDR) đã đưa ra chủ trương đồng ý để Phát Đạt nhận chuyển nhượng 89% cổ phần của các cổ đông tại Công ty CP Địa ốc Hòa Bình.
Việc mua cổ phần này nhằm để Phát Đạt nắm quyền sở hữu tại Dự án 197 Điện Biên Phủ (Dự án Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến) tại số 197 Điện Biên Phủ, P.15, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Đây là dự án khu nhà ở cao cấp kết hợp trung tâm thương mại và văn phòng, với diện tích đất khoảng 4.233 m2.
HĐQT của Phát Đạt đã đồng ý giao cho ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT, hoặc người được ông Đạt ủy quyền để đàm phán với các đối tác. Ông Đạt được quyết định số lượng và giá nhận chuyển nhượng cổ phần trong phạm vi thuộc thẩm quyền của HĐQT.
Dù “mạnh tay” thâu tóm công ty khác nhưng hoạt động kinh doanh của Phát Đạt trong quý 1/2022 không mấy khả quan khi lợi nhận giảm mạnh, gánh nặng nợ vay, dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm nặng.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, Phát Đạt ghi nhận lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 526 tỷ đồng, giảm tới 53% so với quý 4/2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ.
Quý 1/2022, Phát Đạt chỉ ghi nhận vỏn vẹn 537 triệu đồng khoản thu từ tài chính nhưng chi phí tài chính lại ghi nhận đến hơn 106 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Đồng thời, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Phát Đạt cũng tăng mạnh (tăng 27% và 39,4%) so với cùng kỳ năm 2021 lần lượt 5 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.
Do đó, kết thúc quý 1/2022, Phát Đạt báo lãi sau thuế 279,4 tỷ đồng, giảm tới 63% so với quý trước đó (quý 4/2021).
Trong quý 1/2022, Phát Đạt ghi nhận dòng tiền hoạt động kinh doanh cốt lõi âm tới 1.528 tỷ đồng. Cụ thể, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 994 tỷ đồng; Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm tới 534 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2022, nợ phải trả của Phát Đạt đạt mức 13.147 tỷ đồng, tăng gần 6% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 51,5% đạt gần 1.223 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng 37,1% lên mức hơn 3.593 tỷ đồng.
Trước đó, Phát Đạt dùng tới 117,2 triệu cổ phiếu PDR (17,46% cổ phiếu trên thị trường) để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của mình.
Cụ thể, Phát Đạt thế chấp 8,5 triệu cổ phiếu PDR tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) – chi nhánh 11 TP. Hồ Chí Minh để vay 149 tỷ đồng; thế chấp 1,1 triệu cổ phiếu PDR tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) – chi nhánh Tân Định để vay gần 21 tỷ đồng; Thế chấp 16,7 triệu cổ phiếu PDR tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam để vay 400 tỷ đồng.
Đặc biệt, Phát Đạt dùng gần 91 triệu cổ phiếu PDR sở hữu bởi cổ đông để đảm bảo cho 11 lô trái phiếu phát hành từ đầu năm 2021 đến nay với giá trị 3.150 tỷ đồng.
Sau 2 tháng Phát Đạt “bốc hơi” gần 44% vốn hóa thị trường
Chốt phiên giao dịch ngày 23/6/2022, mã cổ phiếu PDR đang được giao dịch với mức 52.200 đồng/cp, tăng 400 đồng/cp so với phiên giao dịch trước đó. So với phiên giao dịch ngày 1/4/2022, cổ phiếu PDR giảm tới 40.500 đồng/cp so với mức 92.700 đồng/cp.
Tính từ đầu quý 2/2022 đến nay, vốn hóa thị trường của Phát Đạt “bốc hơi” gần 44%.