Thỏa thuận này được thống nhất sau khi diễn ra cuộc đàm phán xuyên đêm giữa các nhà đàm phán từ các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu.
Theo kế hoach, để đạt được mục tiêu trên, các quốc gia cần cải tạo hàng triệu tòa nhà lộng gió, tránh lãng phí năng lượng. Với hầu hết các tòa nhà ở châu Âu đều sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sưởi ấm, chính sách này rất quan trọng đối với nỗ lực chống biến đổi khí hậu của EU.
Ông Niels Fuglsang, trưởng đoàn đàm phán của Nghị viện chia sẻ rằng: “Điều này có nghĩa là thay đổi thực sự vì lợi ích của khí hậu và bất lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Các nhà đàm phán đồng ý rằng, mức năng lượng tiêu thụ của những người dùng cuối trong khối như hộ gia đình và nhà máy vào năm 2030 sẽ thấp hơn 11.7% so với mức sử dụng dự kiến vào thời điểm đó.
Trước đó, trong quá trình đàm phán, Nghị viện châu Âu mong muốn mức giảm 14%, trong khi một vài nước thành viên EU kiên trì với mức giảm 9% theo như đề nghị của EU từ năm 2021.
Thỏa thuận mới của EU sẽ có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Mặc dù các quốc gia trong khối có quyền tự do đặt mục tiêu quốc gia (không ràng buộc pháp lý), nhưng nếu họ không đạt được mục tiêu 11.7%, Ủy ban châu Âu sẽ can thiệp.
Theo thỏa thuận, từ năm 2024 đến 2030, hàng năm các nước thành viên EU sẽ phải tiết kiệm trung bình 1.49% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Ngoài ra, cần tăng tốc độ cải tạo các tòa nhà thuộc sở hữu công, đạt ít nhất 3% tổng diện tích sàn của các tòa nhà mỗi năm.
Thỏa thuận này sẽ được chuyển đến Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU để bỏ phiếu lần cuối cùng.