"Át chủ bài" hạt nhân của Nga có thể khiến cả châu Âu điêu đứng: Quyền lực đến đâu mà EU không dám cấm vận?

An An | 14:05 23/02/2023

Nhiều quốc gia EU đang phụ thuộc vào nguồn cung hạt nhân của Nga để sản xuất điện hạt nhân.

"Át chủ bài" hạt nhân của Nga có thể khiến cả châu Âu điêu đứng: Quyền lực đến đâu mà EU không dám cấm vận?

Theo hãng tin Reuters, trong cuộc họp mới đây, các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã không đạt được thỏa thuận về vòng trừng phạt thứ 10 đối với Moscow.

Trong đó có chi tiết, loại Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) khỏi danh sách cấm vận. Lý do là bởi, nhiều quốc gia EU đang phụ thuộc vào nguồn cung hạt nhân của Nga để sản xuất điện hạt nhân.

Nền công nghiệp điện hạt nhân châu Âu phụ thuộc lớn vào Nga

Theo tạp chí The Conversation, hiện thế giới có khoảng 440 lò phản ứng điện hạt nhân thương mại, tạo ra 10% điện năng toàn cầu.

Số liệu công bố vào năm 2020 cho thấy, Pháp sử dụng 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân, trong khi nhu cầu này ở Ukraine, Slovakia, Bỉ và Hungary đều chiếm khoảng 70%.

Chia sẻ với tờ Vzglyad (Nga), nhà phân tích Sergey Kondratyev thuộc Viện Năng lượng và Tài chính Nga cho biết, trong những năm gần đây, Rosatom đã thu được lợi nhuận đáng kể nhờ bán nhiên liệu hạt nhân cho các nước EU, trong đó 40% doanh thu đến từ việc bán toàn bộ nhiên liệu.

rosatom-75th-anniversary.jpg
Rosatom là nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân lớn trên thế giới. Ảnh: Rosatom

Trong hầu hết các trường hợp, các quốc gia châu Âu chưa thể chuyển sang những nguồn nhiên liệu thay thế.

Mặc dù công ty sản xuất nhiên liệu Mỹ Westinghouse Electric Co., có thể đóng vai trò thay thế nhưng công suất của doanh nghiệp này bị hạn chế, chưa kể nhiên liệu họ không phù hợp với các lò phản ứng ở châu Âu - vốn được xây từ thời kỳ Liên Xô cũ.

Ông Kondratiev loại trừ khả năng thay thế ngay lập tức loại nhiên liệu này bằng loại nhiên liệu khác do cần phải tiến hành các thử nghiệm sơ bộ trong lò phản ứng.

Chuyên gia Nga nhấn mạnh, quá trình này mất nhiều năm ở Ukraine và có thể lâu hơn ở các nước châu Âu.

Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý châu Âu đã thắt chặt quy trình thay dầu bởi lo ngại về an toàn. 

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, các lò phản ứng của Liên Xô cách đây 10 hoặc 15 năm không thể thiếu nhiên liệu của Rosatom.

Nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary - cơ sở cung cấp một nửa sản lượng điện và đáp ứng 1/3 lượng điện tiêu thụ của nước này - được xây dựng bằng công nghệ Liên Xô và sử dụng nhiên liệu hạt nhân của Nga. Bên cạnh đó, Hungary cũng đang có kế hoạch xây dựng giai đoạn 2 của cơ sở năng lượng này dựa trên thiết kế của Rosatom.

Chưa có giải pháp thay thế nhiên liệu hạt nhân Nga

Hiện nay, Rosatom sản xuất hơn 1/3 sản phẩm uranium được làm giàu trên thế giới, chiếm 17% đến 20% thị trường sản xuất nhiên liệu toàn cầu. 

Đồng thời, doanh nghiệp Nga cũng kiểm soát các cơ sở khai thác ở Kazakhstan và có hợp đồng với Uzbekistan trong lĩnh vực cung cấp uranium. 

Vì vậy, việc đưa Rosatom vào danh sách trừng phạt sẽ không chỉ ảnh hưởng tới Nga mà còn tác động mạnh mẽ toàn bộ chuỗi sản xuất toàn cầu.

Điều này sẽ khiến giá nhiên liệu hạt nhân toàn cầu tăng phi mã.

Như nước Pháp, hiện vẫn chưa sẵn sàng cho sự gián đoạn mạnh mẽ của thị trường uranium toàn cầu, vì điều này có thể gây ra những tác động khó lường, đặc biệt là khi nền kinh tế của nước này phụ thuộc trực tiếp vào ngành công nghiệp hạt nhân.

Tờ Vzglyad cho rằng, các dịch vụ do Rosatom cung cấp không chỉ giới hạn ở việc đảm bảo an toàn cho nhiên liệu hạt nhân mà còn bao gồm cả việc thu gom nhiên liệu đã qua sử dụng để xử lý và tiêu hủy.

Đồng thời, đây là tổ chức duy nhất trên thế giới chuyên về lĩnh vực này.

Điều này mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và giúp giảm thiểu chi phí phải đầu tư vào phát triển xử lý chất thải, công nghệ lưu trữ hay xây dựng các kho lưu trữ vĩnh viễn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.


(0) Bình luận
"Át chủ bài" hạt nhân của Nga có thể khiến cả châu Âu điêu đứng: Quyền lực đến đâu mà EU không dám cấm vận?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO