Mặc dù Phần Lan, Ba Lan và các nước Baltic đang dựng hàng rào thép gai dọc biên giới với Nga, truyền thông phương Tây cũng "chĩa mũi dùi" về phía Nga, nhưng điều đó vẫn không ngăn được những “chuyến du lịch hướng Đông” của người dân các nước thuộc EU.
Trang “Báo Quan điểm" (Vzglyad) đã đi tìm nguyên nhân đằng sau hiện tượng này.
Hàng rào khó ngăn “du khách đổ xăng”
Theo trang “Báo Quan điểm", Phần Lan đã bắt đầu xây dựng hàng rào dọc biên giới với Nga: họ đang chặt cây ở đó, chuẩn bị các rào chắn và hệ thống giám sát khác nhau. Mùa thu năm ngoái, Phần Lan đã quyết định cấm du khách Nga nhập cảnh.
Nhưng ở chiều ngược lại, giới lãnh đạo Nga lại không cấm người Phần Lan vào Nga. Mặc dù truyền thông Phần Lan đưa tin số người xin thị thực Nga ở nước này đã giảm 90%, nhưng chỉ trong một tuần của tháng 2/2023 đã có 2.600 người Phần Lan vượt qua biên giới. Điều đáng chú ý là, hầu hết trong số họ được gọi là "du khách đổ xăng".
Các phóng viên Phần Lan đã phỏng vấn một số người trong số họ. Tuya Fernand - một cư dân lớn tuổi ở Ruokolahti (Phần Lan), người thường đến Nga để mua xăng - thậm chí còn nhận thấy những ưu điểm của thời điểm hiện tại, khi nói: "Hành trình bây giờ nhanh hơn trước, trước đây còn phải xếp hàng nhiều giờ."
Fernand cho biết, bà đã đến Nga để mua xăng trong 6 năm qua và không có ý định từ bỏ thói quen này, vì dù sao thì giá xăng ở đó phù hợp với túi tiền của những người về hưu.
Tất nhiên, không phải ai cũng đồng ý với hành động của bà. Fernand nói: “Có hai bình luận trên mạng chỉ trích tôi vì đã bổ sung ngân sách quân sự cho Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy tội lỗi về điều đó.”
Những "du khách đổ xăng" khác cũng có quan điểm tương tự. Họ đổ lỗi cho giới chức trong nước đã không kiềm chế giá nhiên liệu ở mức có thể chấp nhận được, buộc họ phải đến Nga.
Silpa Laurimer đến từ Rääkkylä (Phần Lan) có 3 chiếc ô tô ở nhà. Từ lâu nay cô đã quen với việc đổ xăng hàng tuần ở Nga. "Tôi tính toán rằng, nếu sang Nga đổ xăng mỗi tuần một lần, tôi có thể tiết kiệm được 240 euro/tháng", Laurimer nói.
Theo trang “Báo Quan điểm", Hải quan Phần Lan không đưa ra phán xét đạo đức về hành động đi đến các trạm xăng Nga của người dân, nhưng sẽ tiến hành kiểm tra biên giới nghiêm ngặt.
Cấm giao thương biên giới trở thành “con dao hai lưỡi”
Theo “Báo Quan điểm", Ba Lan gần đây đã ngừng cấp giấy thông hành ở biên giới với Belarus. Không chỉ người dân Belarus, mà công dân của các nước thứ ba cũng không thể đi qua.
Hiện tại, Ba Lan chỉ cho phép ô tô từ một số khu vực nhất định, trong đó bao gồm các nước EU, đi qua biên giới. Ví dụ, xe tải của Kazakhstan không nằm trong danh sách này, chúng không chỉ vận chuyển hàng hóa từ Kazakhstan sang các nước EU, mà còn vận chuyển hàng hóa EU cho các công ty Kazakhstan. Hạn chế xe tải Kazakhstan có nghĩa là sẽ phát sinh thiệt hại lên tới hàng triệu USD cho cả hai phía.
Theo trang “Báo Quan điểm", mặc dù Ba Lan không muốn tạo điều kiện dễ dàng hơn cho phía Belarus, nhưng việc này lại đang ảnh hưởng sâu sắc đến chính người dân Ba Lan, vì Ba Lan phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu mỏ của Kazakhstan.
Bên cạnh đó, tờ "Nhật báo chính trị độc lập" của Ba Lan cho biết, nhiều người dân Ba Lan vốn đã quen với việc mua hàng hóa Belarus giá rẻ từ những thương nhân, nhưng giờ đây hoạt động kinh doanh này đang sụp đổ.
Điều đáng nói là, Chính phủ Belarus năm ngoái đã miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Litva, Latvia và Ba Lan. Phía Belarus thông báo rằng, đã có tổng cộng 378.000 du khách từ các quốc gia nói trên nhập cảnh kể từ khi chính sách miễn thị thực có hiệu lực.
Theo trang “Báo Quan điểm", giới chức Ba Lan và các nước vùng Baltic không hài lòng khi công dân của họ đến Belarus mỗi ngày. Lúc đầu, họ cố gắng cảnh báo công dân bằng các thông tin thất thiệt từ phía Belarus, nhưng hiệu quả không rõ ràng. Sau đó, họ đã tăng phí quá cảnh, thuế quan, hạn chế đối với hàng hóa nhập khẩu, nhiên liệu… Hiện tại, họ đã thực hiện một bước đi thậm chí còn quyết liệt hơn: đóng cửa các cửa khẩu biên giới.
Theo truyền thông Belarus, có cả hàng dài người xếp hàng tại cửa khẩu cuối cùng còn hoạt động ở khu vực biên giới giữa Brest (Belarus) và Terespol (Ba Lan), không ít người đã chờ đợi nhiều ngày. Không chỉ công dân Belarus, mà cả những người Ba Lan có hợp tác với các công ty Belarus cũng gặp rắc rối.
Mikhail Seredich - một chủ trang trại ở Belarus - cho biết: "Nếu chính quyền muốn người dân của họ sống tốt, họ sẽ mở cửa biên giới và không áp dụng tiêu chuẩn kép. Chất lượng táo vừa chín ở trang trại của chúng tôi rất cao, không hề thua kém các mặt hàng nhập khẩu tốt nhất khác. Mọi người có thể mua táo Belarus ngon ngọt với giá cả phải chăng. Mặt hàng này đã từng có sẵn ở EU trước đây, nhưng không phải bây giờ."