Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Quốc hội lưu ý đền bù hợp lý, thỏa đáng cho người dân bị thu hồi đất

Lê Sáng | 14:59 13/11/2024

Báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, bên cạnh các rủi ro về thu hồi đất, tiến độ thực hiện dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý việc cần có chính sách đền bù hợp lý, thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của việc thu hồi đất phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Quốc hội lưu ý đền bù hợp lý, thỏa đáng cho người dân bị thu hồi đất
Ảnh minh họa

Sáng 13/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến kết luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam; trong đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350km/h và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.

a-thang.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Ảnh: Media Quốc hội

Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha

Báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655 ha; đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha và cần di dân tái định cư khoảng 30.209 hộ dân.

Tuy nhiên, số liệu về nhu cầu sử dụng đất chỉ đang ở mức sơ bộ, trong bước nghiên cứu khả thi có thể sẽ có nhiều thay đổi sau khi khảo sát, kiểm đếm, xác định chính xác hướng tuyến của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

a-thanh-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Media Quốc hội

Do đó, đề nghị Chính phủ trong các bước tiếp theo chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tối ưu hướng tuyến của Dự án để giảm thiểu nhu cầu chuyển đổi sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất lớn, đất trồng lúa; giảm thiểu các tác động tiêu cực của Dự án đến các khu vực bảo tồn, việc kinh doanh, sản xuất, đời sống của doanh nghiệp, người dân và tối ưu tổng mức đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao.

Bên cạnh đó, qua kết quả giám sát việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cho thấy, tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm, thống nhất chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện dự án, có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm được tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh chậm trễ, ảnh hưởng tới tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam .

Đồng thời, quan tâm có chính sách đền bù hợp lý, thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của việc thu hồi đất phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Lo ngại kéo dài thời gian

Về tiến độ thực hiện Dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, lần đầu triển khai thực hiện ở Việt Nam và thời gian kéo dài (khoảng 10 năm) sẽ tiềm ẩn rủi ro như đã xảy ra đối với nhiều dự án trọng điểm trong thời gian qua.

Các rủi ro được Thường trực Uỷ ban Kinh tế chỉ ra như: Công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ lưỡng, dự toán chưa sát thực tế, phương án thực hiện thiếu tính khả thi dẫn tới phải kéo dài thời gian,... làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành.

Do đó, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục để bảo đảm không xảy ra tình trạng tương tự đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đồng thời, trong thời gian tới dự kiến sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng khác, nên cần làm rõ tính khả thi của các nguồn lực để bảo đảm hiệu quả cho dự án đường sắt tốc độ cao.

Ngoài ra, qua kết quả giám sát việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cho thấy còn những khó khăn, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng cao, dù đã có các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, thực tế triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ đề ra.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ hơn về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng thiếu và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời, đồng bộ và tính toán thận trọng, bảo đảm cho công tác chuẩn bị đầu tư tốt nhất.

Ngoài ra, Chính phủ đề xuất "thực hiện Dự án từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035", tuy nhiên theo quy định pháp luật hiện hành không có khái niệm "cơ bản hoàn thành", vì vậy đề nghị Chính phủ xác định rõ thời gian hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đưa vào vận hành, khai thác để Quốc hội có cơ sở giám sát theo quy định.

Đại biểu Quốc hội yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng, có giải pháp đối với những vấn đề khó khăn phát sinh trong triển khai

Sáng 13/11, thảo luận tại Tổ 10 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, các ĐBQH tán thành cao chủ trương đầu tư đồng thời lưu ý, cần đánh giá kỹ lưỡng, lường trước những vấn đề khó khăn có thể phát sinh trong quá trình triển khai để có giải pháp phù hợp đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.

131120241140-dsc_0785.jpg
 Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham gia Phiên thảo luận tại Tổ 10

Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành, thực tế vấn đề này cũng thường xảy ra ở nhiều dự án đầu tư công.

Ngoài ra, nhu cầu dự án cần sử dụng lượng xi măng, sắt thép, cát rất lớn, trong thời gian dài, trong khi đó thời gian tới có nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng đồng loạt triển khai thi công. Thực tế, việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cho thấy, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu, tuy nhiên nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết để có giải pháp hữu hiện khắc phục những tồn tại này để đảm bảo hoàn thành Dư án theo đúng kế hoạch đề ra.

Liên quan tới vấn đề công nghệ, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, có phương án, giải pháp ứng phó trong các tình huống không mong muốn và kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của Dự án để hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài. Đồng thời, đề nghị cần quan tâm, thu hút được đầu tư tư nhân trong nước, nhằm vừa giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, có thể trực tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để nội địa hoá ở mức tối đa. Từ đó, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài vừa có thể huy động nguồn lực toàn xã hội để giảm bớt sức ép cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Đắk Nông cũng bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn đầu tư cho Dự án. Theo đó, Chính phủ cần cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối vốn để đáp ứng nhu cầu. “Vốn bố trí từ ngân sách nhà nước, vốn vay (cả nước ngoài lẫn trong nước), vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và các nguồn khác là bao nhiêu? Để từ đó đánh giá khả năng trả nợ, sức chịu đựng của nền kinh tế?...”, đại biểu nêu vấn đề.

Nhất trí với chủ trương đầu tư Dự án, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là nguồn vốn đầu tư để đảm bảo tính khả thi. Do đó, đại biểu đề nghị trong báo cáo khả thi cần làm rõ hơn về nội dung này. Cụ thể: bổ sung phân tích, làm rõ hơn tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSNN giai đoạn sau; về khả năng đáp ứng của nguồn lực NSNN; về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn NSNN sử dụng cho Dự án;... “Cần dự báo, lường trước những vấn đề khó khăn có thể phát sinh để đưa ra hướng giải quyết kịp thời, phù hợp trong quá trình triển khai.”, đại biểu nhấn mạnh.

Quan tâm tới vấn đề công nghệ, nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện, đại biểu cũng đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn, dự trù được những vấn đề phát sinh để đảm bảo việc triển khai Dự án theo đúng tiến độ, chất lượng cũng như mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đánh giá cao và đồng tình với nhiều nhận định tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo đại biểu, cần đưa ra bức tranh tổng thể cả những mặt tích cực, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức để từ đó có giải pháp và phương án phù hợp nhất đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Để đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát trong triển khai, đại biểu đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá kỹ tác động chính sách thể hiện trong chủ trương đầu tư Dự án. Đồng thời, trong suốt quá trình thực hiện cần lưu ý giải pháp liên quan đến công nghệ thông tin phải là giải pháp xuyên suốt, quan trọng nhất trong tất cả các khâu, đáp ứng phát triển kinh tế số của ngành đường sắt;...

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị, Chính phủ quan tâm, chú trọng tới việc nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ không chỉ liên quan tới việc vận hành mà cả các dịch vụ phụ trợ khác, sự phát triển của các địa phương khi có tàu cao tốc đi qua;...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Quốc hội lưu ý đền bù hợp lý, thỏa đáng cho người dân bị thu hồi đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO