Ông Philipp Rösler - cựu Phó Thủ tướng Đức là thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Tập đoàn Lộc Trời (Mã cổ phiếu: LTG) từ tháng 5 năm 2020 cho đến nay.
Ông Philipp là người Đức gốc Việt, sinh năm 1973 ở Sóc Trăng. Năm 2009, ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức. Ông trở thành bộ trưởng liên bang trẻ nhất nước Đức vào thời điểm nhậm chức vụ này cũng như là người gốc Việt đầu tiên làm bộ trưởng tại một quốc gia Châu Âu. Tiếp đó, ông trở thành Phó Thủ tướng Đức giai đoạn 2011-2014.
Ông Rösler nắm vị trí thành viên Hội đồng thành viên của nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới và được chính Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn mời vào vị trí Thành viên Hội đồng quản trị độc lập của LTG vào năm 2020.
“Tôi muốn đóng góp để đem lại lợi ích cho LTG và cả Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng là nông nghiệp. Việt Nam đang có cơ hội rất khi đã ký được các hiệp định thương mại tự do”, ông Rösler chia sẻ vào năm 2020.
Tập đoàn Lộc Trời giữ vị thế là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam hiện nay với quy mô trên 80.000 tấn gạo/năm, chủ yếu xuất khẩu sang những thị trường lớn như Châu Âu, Đông Nam Á.
Tiền thân là Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang thành lập năm 1993, LTG là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn hàng đầu Việt Nam.
Lộc Trời hiện kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp gồm giống cây trồng, nông dược, hữu cơ sinh học, phân bón; thực phẩm gồm gạo hạt, cà phê, nước tinh khiết, trái cây; dịch vụ nông nghiệp.
Tên tuổi của Lộc Trời gắn với ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT và sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trước khi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp.
Năm 2010 được xem như là một bước ngoặt của cả ông Huỳnh Văn Thòn và AGPPS, khi quyết định bước chân vào lĩnh vực lương thực bằng dự án “cánh đồng mẫu lớn”. Từ một doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống cây trồng, ông Thòn đã đưa công ty “chuyển mình” tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.
Chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bắt đầu từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và sản phẩm hữu cơ, đến tổ chức chế biến và xây dựng thương hiệu nông sản, kết nối tín dụng cho chuỗi sản xuất và hoạt động xuất khẩu để cung ứng nông sản đáp ứng yêu cầu chất lượng thực phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Kể từ khi đổi tên và làm chuỗi giá trị nông nghiệp, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời không còn tăng trưởng một đường thẳng. Giai đoạn 2015 - 2016, doanh thu của tập đoàn liên tục sụt giảm về 7.856 tỷ và 7.783 tỷ, và lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 400 tỷ đồng, thấp hơn gần 30% so với thời kỳ đỉnh cao.
Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Tiến Tùng - Trưởng ban chiến lược của tập đoàn, lý do kết quả kinh doanh sụt giảm là do quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp. Lĩnh vực chính từ trước đến giờ là thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, nhưng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ 200 doanh nghiệp thuốc và 800 doanh nghiệp phân bón. Ngoài ra mảng lương thực - gạo thì lại có biên lợi nhuận gộp quá mỏng (chỉ ở khoảng 5%) dẫn đến sụt giảm lợi nhuận.
Bước sang năm 2018, kết quả kinh doanh bắt đầu của LTG chuyển biến tích cực khi doanh thu đạt 9.031 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là đạt mức 414 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này đồng pha với kết quả kinh doanh của ngành nông nghiệp cả nước khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 13% so với cùng kỳ, đặc biệt là xuất khẩu gạo đều tăng cả về lượng và giá trị.
Sang năm 2019, mảng lương thực gặp bất lợi khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam, khiến cho doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sụt giảm lần lượt là 8% và hơn 19%.
Đến năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời của ông Huỳnh Văn Thòn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và tình trạng bị nhiễm mặn; một số hộ nông dân chuyên từ trồng lúa mùa sang nuôi trồng thủy sản, làm giảm diện tích gieo trồng lúa. Điều này khiến cho doanh thu sụt giảm 9,7% xuống còn 7.506 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 10% so với cùng kỳ ở mức 369 tỷ đồng, do công ty nỗ lực giảm các loại chi phí.
Năm 2021, doanh thu tăng 36% so với cùng kỳ đạt 10.224 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 13% so với cùng kỳ và vượt 105% kế hoạch đạt 418 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Lộc Trời, mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn đóng góp tỷ lệ cao nhất gần 49%. Lĩnh vực lương thực - gạo đã tăng trưởng “khủng” hơn 91% so với cùng kỳ, đóng góp 39% vào cơ cấu doanh thu.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của lương thực chỉ đạt 2% và thuốc bảo vệ thực vật, với biên lợi nhuận gộp lên đến 35% tiếp tục là trụ cột mang lại nguồn lợi nhuận nuôi sống cả tập đoàn.
Năm 2022, doanh thu tiếp tục tăng trưởng doanh thu, đạt mức 11.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lại giảm nhẹ so với cùng kỳ, còn 413 tỷ đồng. Các nguyên nhân có thể kể đến như chi phí tài chính tăng cao do LTG lỗ chênh lệch tỷ giá lớn, chi phí bán hàng tăng do chi phí vận chuyển và xuất khẩu tăng.