Banker đua huy động, khách có 300 triệu cũng sẵn sàng đến tận nhà hướng dẫn gửi lãi cao, chỉ sợ khách "chạy" mất

Minh Vy | 10:40 23/03/2023

“Mình chỉ gửi 300 triệu thôi mà cứ ngỡ như là khách VIP vậy. Bạn nhân viên còn sẵn sàng đến tận nhà để tư vấn nhiều chương trình ưu đãi, hướng dẫn cách gửi tiền để có lãi cao và giải đáp thêm các thắc mắc của mình, chỉ sợ khách tất toán sổ tiết kiệm xong thì sang ngân hàng khác gửi mất”, một người gửi tiền cho biết.

Banker đua huy động, khách có 300 triệu cũng sẵn sàng đến tận nhà hướng dẫn gửi lãi cao, chỉ sợ khách "chạy" mất

Chị Hoài Phượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vừa qua chị có một sổ tiết kiệm 300 triệu đồng đến hạn tất toán. Vài ngày trước khi đáo hạn, một nhân viên của ngân hàng này đã liên hệ và mời chào chị tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng và cộng thêm 1% lãi suất so với thông thường. Theo đó, khi gửi kỳ hạn 12 tháng, lãi suất mà chị Phượng được hưởng sẽ là 9,7%/năm thay vì 8,7%/năm như biểu lãi suất công khai. Tuy nhiên, để được cộng thêm 1% lãi suất này, khách hàng cần phải mua một tài khoản số đẹp có giá trị 550 nghìn đồng.

Chị Phượng không khỏi ngạc nhiên: “Mình chỉ gửi 300 triệu đồng thôi mà cứ ngỡ như là khách VIP vậy. Bạn nhân viên còn sẵn sàng đến tận nhà để tư vấn, hướng dẫn cách gửi tiền lãi cao, giải đáp thêm các thắc mắc của mình, chỉ sợ mình tất toán sổ tiết kiệm xong thì sang ngân hàng khác gửi mất. Mình đã gửi tiền ở ngân hàng này 3 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên có cảm giác được chăm sóc đặc biệt như vậy”.

Khách hàng này tính toán: ”Nếu gửi 300 triệu đồng với lãi suất 8,7%/năm, mình sẽ có lãi 26,1 triệu đồng. Còn nếu gửi với lãi suất 9,7% sẽ có lãi 29,1 triệu đồng, trừ đi 550 nghìn đồng tài khoản số đẹp thì vẫn có lãi 28,55 triệu đồng, tức vẫn hơn gửi tiết kiệm thông thường khoảng 2,5 triệu đồng”.

Cuộc đua huy động tiền gửi nhìn chung đã có phần hạ nhiệt so với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022 nhưng vẫn hết sức sôi động và diễn ra một cách âm thầm. Khảo sát tại nhiều phòng giao dịch, tại các ngân hàng khác nhau, việc nhân viên ngân hàng tư vấn cộng thêm lãi suất, ưu đãi quà tặng cho khách hàng gửi tiền là không hề hiếm. Bởi vậy, tại nhiều nhà băng, lãi suất niêm yết trên website và thậm chí biển lãi suất đặt ở cửa phòng giao dịch tối đa không quá 9%, nhưng trên thực tế có thể lên trên 10%/năm.

Chị Hoàng Lam (Long Biên, Hà Nội) cho biết, nếu có tiền mà gửi trực tiếp trên App ngân hàng số, lãi suất có thể sẽ không cao bằng với việc ra tận phòng giao dịch để gửi tiền. Cụ thể, nhân viên một ngân hàng tư vấn cho chị mở 2 sổ tiết kiệm để lãi suất thực nhận cao hơn so với công bố. Khách hàng trước tiên gửi sổ tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lãi suất 9%/năm và ngân hàng sẽ ứng trước lãi suất cuối kỳ. Số tiền lãi này, khách hàng tiếp tục mở thêm 1 sổ tiết kiệm khác, với lãi suất tương tự. Như vậy, mức lãi suất thực tế có được là gần 10%/năm.

Thông thường, nhà băng sẽ có thông báo nội bộ về mức khung lãi suất này với các phòng giao dịch, chi nhánh, nhân viên ngân hàng có thể thỏa thuận với khách hàng, hoặc đề xuất xin ý kiến cấp trên. Biết được điều này, người gửi tiền càng ra sức “mặc cả” khiến nhà băng cũng buộc phải giữ lãi suất ở mức đủ hấp dẫn để giữ chân khách hàng.

Theo quan sát, việc ưu đãi thêm lãi suất này chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn như 6 tháng, 12 tháng. Các nhà băng cũng e ngại áp dụng cho kỳ hạn dài trên 1 năm vì sẽ khiến cho chi phí vốn tăng lên quá cao trong thời gian dài, gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Tình trạng này cũng không diễn ra ở các kỳ hạn ngắn 1-5 tháng do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ quy định trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng.

Theo quy định, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng hiện nay là 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ là 6,0%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã triển khai nhiều biện pháp thời gian qua, bao gồm cả việc kêu gọi các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

NHNN nhấn mạnh, nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.

NHNN cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trong tháng 2/2023, các ngân hàng thương mại đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng.

Vừa qua, ngày 15/3, NHNN thực hiện giảm một số lãi suất điều hành. Việc điều chỉnh là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.


(0) Bình luận
Banker đua huy động, khách có 300 triệu cũng sẵn sàng đến tận nhà hướng dẫn gửi lãi cao, chỉ sợ khách "chạy" mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO