Thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử
Sáng 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII), đó là phải “hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng...”.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều. Trong đó, Dự Luật sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh; chính sách về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chính sách về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chính sách về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; sửa đổi quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và về dữ liệu và dữ liệu số; sửa đổi quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) hiện đang đề xuất quy định bỏ loại trừ, không áp dụng của Luật hiện hành đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá trị khác nhằm mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số…
Đề nghị bổ sung khái niệm “chứng từ điện tử”
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến Ủy ban tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Theo đó, Ủy ban đề nghị nghiên cứu quy định: “Luật này quy định về các thành tố cơ bản và nguyên tắc của các phương thức, biện pháp thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế, dân sự, hành chính công và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh vì cho rằng sẽ tạo thêm áp lực đối với nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị bổ sung khái niệm “chứng từ điện tử” để áp dụng trong thực tiễn, thể hiện được giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; nghiên cứu, chỉnh sửa lại quy định chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu cho phù hợp với thực tế, đặc biệt là hoạt động của ngân hàng thương mại, hải quan..., rà soát quy định giá trị pháp lý của văn bản giấy như bản gốc cho rõ ràng, thống nhất với Luật Kế toán hiện hành.
Ngoài ra, về chứng thư điện tử, quy định pháp luật hiện hành về giao dịch điện tử mở ra nhiều cơ hội cho phép các tổ chức tín dụng và khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử (giao dịch tài khoản thanh toán, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ…).
Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo Luật hiện nay thì các tổ chức tín dụng phải gia tăng chi phí, tăng thời gian vận hành khi cung cấp chứng thực điện tử chữ ký số theo yêu cầu. Mặt khác, trong giao dịch điện tử, chứng thư điện tử có thể bị chiếm quyền kiểm soát bởi tổ chức, cá nhân khác.
Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định “khẳng định được sự kiểm soát duy nhất” vì có thể dẫn đến việc không bảo vệ được đầy đủ, thực chất quyền của chủ sở hữu.
Đối với chữ ký điện tử, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị quy định về các tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử để người dân và cơ quan nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về các giai đoạn giao kết, hợp đồng điện tử; hiệu lực của hợp đồng điện tử; điều kiện để hợp đồng điện tử có hiệu lực; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng điện tử; các trường hợp xác định hợp đồng điện tử vô hiệu; các loại hợp đồng điện tử mẫu trong các trường hợp giao dịch khác nhau; hoạt động chứng thực giao dịch và hợp đồng điện tử.