Tác động xấu tới xuất khẩu
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng chính sách đối ứng nhắm đến tất cả các quốc gia, với mức thuế từ 10 đến 49%, trong đó Việt Nam 46% - đứng thứ 3 trên thế giới.
Cục Thống kê cho biết, chính sách thuế này sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu, ảnh hưởng tới nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là các nhóm hàng máy vi tính điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ, 6 nhóm hàng hóa này chiếm tỷ trọng hơn 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa kỳ trong năm 2024.
Trong đó, với nhóm hàng máy vi tính điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, khối doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu, việc áp thuế đối ứng có thể khiến các doanh nghiệp FDI chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác, từ đó sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với nhóm hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, các nhà sản xuất khu vực trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này của Việt Nam. Khi Hoa Kỳ áp thuế đối ứng, các nhà sản xuất nội địa sẽ gặp khó khăn trong việc tìm thị trường thay thế, vì vậy kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này có thể suy giảm do phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm.
Ngoài ra, việc Mỹ đánh thuế cao lên tất cả các thị trường có thể làm gia tăng lạm phát, ảnh hưởng tới sức tiêu dùng hàng hóa và từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực với chính sách thuế đối ứng, theo Cục Thống kê, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau: (i) Tăng cường đối thoại song phương với Mỹ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy. (ii) Tiếp tục chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. (iii) Cần cải thiện những yếu tố mà Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh. (iv) Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. (v) Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cung cấp thông tin sớm cho doanh nghiệp về thuế đối ứng, giúp doanh nghiệp chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó nhằm bảo vệ quyền lợi tại thị trường Mỹ. Từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu.
Giải pháp kiểm soát lạm phát
Nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8%, Quốc hội đã nới trần lạm phát từ 4,0-4,5% lên 4,5% - 5%, tuy nhiên, kỳ vọng của Chính phủ lạm phát chỉ xoay quanh mức 4,15%. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá thịt lợn đang ở mức rất cao và các sàn thương mại điện tử đã đồng loạt tăng phí, tác động ngay tới mặt bằng giá cả hàng hóa. Theo Cục Thống kê, để kiểm soát lạm phát năm 2025 đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị.
Các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp Lễ nhằm hạn chế tăng giá. Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.