Trăn trở bức tranh nhiều thách thức của điện mặt trời tại Việt Nam

Lê Sáng | 11:15 10/04/2025

Giai đoạn bùng nổ với hàng loạt dự án Điện mặt trời được xây dựng liên tiếp từ 2017 đến 2019 nhờ các chính sách ưu đãi về giá mua đã qua. Các dự án liên quan tới điện mặt trời Việt Nam hiện nay đang đối mặt với thời điểm nhiều thách thức khi giá mua không còn lợi thế, trong khi chi phí đầu tư lại có xu hướng tăng cao ở nhiều hạng mục.

Trăn trở bức tranh nhiều thách thức của điện mặt trời tại Việt Nam

Giai đoạn bùng nổ

Giá tấm pin năng lượng mặt trời giảm nhưng có FIT, giá mua điện vẫn cao.

Giai đoạn 2017 – 2019, điện mặt trời lên ngôi tại Việt Nam. Giá mua điện (FIT) do EVN áp dụng trong thời kỳ này dao động ở mức 2.086 đồng/kWh, gần như giữ nguyên suốt 2 năm. Trong khi đó, giá tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu lại giảm từ 0,6 USD/Wp năm 2017 xuống chỉ còn 0,2 USD/Wp vào cuối năm 2019 – tương đương hơn 60%, đây chỉ là giá giảm trong vòng 2 năm đó.

Chính sự “xuống giá” này tạo ra một biên độ lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp triển khai nhanh chóng và nằm trong giai đoạn được giá FIT ưu đãi. Lợi nhuận cao, thực hiện nhanh, thời gian hoàn vốn được coi là an toàn, các lựa chọn đều cho thấy điện mặt trời là loại hình năng lượng có rủi ro thấp – và điện mặt trời thời điểm đó là một miếng bánh ngon cho các nhà đầu tư.

Đình trệ

Giai đoạn 2020 - 2024, điện mặt trời đứng yên vì không có cơ chế phát triển. Sau giai đoạn phát triển ồ ạt trên khắp các địa phương, điện mặt trời gần như rơi vào trạng thái im ắng. Việc không có chính sách giá điện mới sau khi FIT hết hiệu lực đã khiến hàng loạt dự án dang dở rơi vào bế tắc, dự án mới không có cơ hội đầu tư. Việc nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào cơ sở hạ tầng, song không thể bán điện hay không kịp bán đã khiến họ “bán mình” cho nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Singapore, ... Đơn cử như nhà máy Europlast Phú Yên (50MW), nhà máy Thanh Long – Phú Yên đã được bán cho Tập đoàn điện lực Singapore. CTCP Điện mặt trời Hà Tĩnh (50MW) được bán cho Tập đoàn Banpu Thái Lan, …

Bên cạnh sự thiếu hụt về giá mua, việc chưa có quy định rõ ràng cho đấu thầu cạnh tranh, mô hình đấu thầu PPA trực tiếp, hay cơ chế ưu tiên phát lưới cũng làm ngành điện mặt trời nằm im bất động trong suốt 4 năm qua.

Quy hoạch mới và triển vọng của điện mặt trời?

Năm 2025 vừa mở ra một hy vọng mới khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt điều chỉnh và sẽ được hiện thực hoá, nhưng khi EVNEPTC đưa ra đề xuất khung giá phát điện điện mặt trời mặt đất ở mức khoảng từ 1.012 đồng/kWh thì thực sự các nhà đầu tư lại cần phải cân nhắc rất cẩn thận. Giá mua này bằng 1/2 giá mua có hỗ trợ FIT thời kỳ 2027-2020.

Theo thông tin từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), chi phí đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo trong năm 2022 tăng trung bình khoảng 15-25% so với năm 2020. Nguyên nhân chính đến từ việc giá nguyên liệu đầu vào tăng do khan hiếm nguồn cung và gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến chi phí sản xuất thiết bị điện gió và tấm pin mặt trời tăng theo.

Theo giới chuyên gia, đây là các yếu tố khách quan đến từ thị trường quốc tế như giá nguyên liệu và chuỗi cung ứng tăng giá. Đặc biệt, trong bối cảnh mới đây nhất về việc Mỹ đã áp mức thuế mới cho các quốc gia có thâm hụt thương mại cao với Mỹ, thì vấn đề tăng giá thành các sản phẩm xuất nhập khẩu trên toàn thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian. Cùng lúc đó, các dự án trong Quy hoạch điện 8 cũng sẽ bước vào thời kỳ chạy nước rút để triển khai thực hiện.

Theo đó, con đường phía trước dành cho nhà đầu tư không còn trải thảm đỏ. Giá thành dự án điện mặt trời ngày nay không còn đơn giản là tấm pin. Một dự án hoàn chỉnh bao gồm: tấm pin năng lượng mặt trời, inverter, giá đỡ, trạm biến áp, chi phí nhân công, đền bù giải phóng mặt bằng và chi phí tài chính.Trong số này, ngoài giá pin năng lượng mặt trời giảm do yếu tố khoa học kỹ thuật phát triển thì các chi phí cố định khác gần như không có dấu hiệu thay đổi, thậm chí cao hơn trước:

Tấm pin năng lượng măt trời: mức giá tương đối ổn định ở mức 0,12–0,14 USD/Wp trong năm 2024–2025 và đây được coi là mức giá tốt nhất từ trước tới nay.

Máy biến tần (Inverter) hiện có mức giá được giữ nguyên qua các năm và hầu như không giảm, có sự thay đổi về mẫu mã, công nghệ.

Giá đỡ, đây là thành phần được dự báo tăng mạnh do giá nhôm trên thị trường thế giới tăng cao ở hiện tại và có thể tăng rất cao trong thời gian tới.

Trạm biến áp có mức giá về thiết bị không thay đổi do chi phí sản xuất và vật liệu ổn định, tuy nhiên chi phí vận chuyển và lắp đặt tăng.

Nhân công được xem là vấn đề nan giải khi nguồn lao động ngày càng khan hiếm, lựa chọn nghề nghiệp đa dạng hơn và đặc biệt là nhân công làm việc ở các khu vực miền Trung và Tây Nguyên với điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Về chi phí đền bù mặt bằng, hiện tại, giá các loại hình bất động sản đang tăng gấp nhiều lần so với giai đoạn 2017–2019, kể cả giá thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất do giá đất nông nghiệp đã bị đẩy lên bởi các cơn sốt đất và kéo dài tới thời điểm này. Theo các chuyên gia, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cấp đất sạch cho dự án thì đây là một vấn đề lớn về chi phí.

Về yếu tố vốn vay, với các vấn đề về thoả thuận năng lượng xanh đến từ khắp các quốc gia trên thế giới thì các quốc gia đang phát triển như Việt Nam rất khó tiếp cận vì các rào cản pháp lý và lãi suất cao do ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ–Trung, và đặc biệt là dấu hiện thắt chặt tín dụng xanh trên toàn cầu.

Từ tất cả các yêu tố trên có thể thấy rằng, mặc dù chi phí tấm pin năng lượng mặt trời – thành phần chủ yếu – vẫn giảm, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, tổng giá thành đầu tư một dự án điện mặt trời hiện nay không còn rẻ như trước. Thêm vào đó, giá mua điện theo khung đề xuất năm 2025 đã giảm gần một nửa so với FIT trước kia, không còn sự hỗ trợ cho việc phát triển năng lượng tái tạo thì điện mặt trời không còn là “miếng bánh ngon” đầu tư nhanh - sinh lời lớn và lâu dài như 05 năm trước.

Trong bối cảnh Quy hoạch 8 gần như đã đến thời điểm đi vào thực tế, theo các doanh nghiệp trong ngành Năng lượng tái tạo hiện họ đang "thấp thỏm" trước những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra như thiếu chính sách ổn định, giá mua điện thấp, chi phí đầu tư tăng cao.

Các chuyên gia đánh giá, đây là giai đoạn các nhà đầu tư cần có những chiến lược bài bản, tính toán dài hơi và năng lực tài chính thực sự mới có thể bắt tay vào thực hiện đã có trong quy hoạch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trăn trở bức tranh nhiều thách thức của điện mặt trời tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO