Theo tờ The Sun, ông Hans-Andre Tooren cùng vợ là bà Beate, đã định cư tại Altenberg – một thị trấn nhỏ ở bang Sachsen, Đức – từ năm 1998. Trên mảnh đất rộng tới 3.000m², họ xây dựng tổ ấm và an cư lạc nghiệp suốt hàng chục năm. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng ngay dưới chân mình là một “kho báu” khoáng sản có giá trị ước tính lên tới 5 tỷ bảng Anh (khoảng 6,3 tỷ USD, tương đương hơn 162.000 tỷ đồng).
Phát hiện gây sốc này đến vào năm 2018, khi các chuyên gia địa chất liên tục đến khu vực Zinnwald – nơi gia đình ông Tooren sinh sống – để lấy mẫu khảo sát. Kết quả cho thấy, dưới ngôi nhà của họ là một mỏ lithium khổng lồ, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin cho ô tô điện và thiết bị điện tử.
Ông Tooren kể: “Chúng tôi từng nghe những lời đồn về các đường hầm khai thác thời Trung Cổ, nhưng chưa bao giờ tưởng tượng rằng có một mỏ khoáng sản khổng lồ ngay dưới nhà mình.”
Kể từ đó, Altenberg trở thành tâm điểm của giới khai khoáng. Tuy nhiên, tại Đức, theo luật định, tài nguyên khoáng sản thuộc về quốc gia, bất kể ai là chủ sở hữu mảnh đất. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình ông Tooren – dù sống ngay trên một mỏ lithium trị giá hàng tỷ USD – không được nhận một đồng đền bù.
Dẫu vậy, vợ chồng ông không hề tỏ ra tiếc nuối. Họ quyết định rời khỏi ngôi nhà gắn bó hơn hai thập kỷ để nhường chỗ cho hoạt động khai thác. “Chúng tôi vui vẻ rời đi vì tin rằng điều này sẽ mang lại nguồn thu lớn cho địa phương – từ đường sá, trường học đến các công trình công cộng”, ông Tooren chia sẻ.
Giới chức địa phương khẳng định việc khai thác sẽ được thực hiện bằng công nghệ tiên tiến, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Trên thực tế, Đức cùng nhiều quốc gia phát triển đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thăm dò và khai thác tài nguyên. Thay vì các phương pháp truyền thống vừa tốn kém vừa thiếu chính xác, các thuật toán AI có thể xử lý dữ liệu địa chất, ảnh vệ tinh và hồ sơ thăm dò lịch sử để xác định nhanh chóng và chính xác vị trí mỏ lithium.
Khi quá trình khai thác bắt đầu, AI tiếp tục được sử dụng để tối ưu hóa việc chiết xuất, giám sát và điều chỉnh liên tục nhằm nâng cao hiệu suất, giảm tiêu thụ năng lượng và nước.
Trong bối cảnh thế giới chuyển hướng sang năng lượng sạch, nhu cầu về lithium đang tăng vọt. Và nhờ AI, việc tìm kiếm và khai thác kho báu lithium này không chỉ nhanh chóng, hiệu quả mà còn bền vững hơn.