Bangladesh cam kết mua thêm bông của Mỹ nhằm tránh mức thuế đối ứng 37% với hàng may mặc xuất khẩu của nước này. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 công bố hoãn áp thuế trong 90 ngày và giảm thuế đối ứng xuống còn 10% trong thời gian này, quốc gia được ví như “công xưởng may mặc” của thế giới vẫn tìm mọi cách để giảm thiểu tác động thế quan.
“Bangladesh sẽ làm mọi việc cần thiết để hỗ trợ cho chương trình nghị sự thương mại của tổng thống”, nhà lãnh đạo lâm thời Bangladesh, Muhammad Yunus, hứa với ông Trump trong một lá thư công bố vào tuần này.
Trong thư, ông Yunus cũng cam kết Bangladesh sẽ giảm thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ như tua bin khí, chất bán dẫn và thiết bị y tế.
Lời đề nghị của nhà lãnh đạo Bangladesh được đưa ra trong bối cảnh nước này lo ngại rằng thuế quan của ông Trump khiến ngành công nghiệp dệt may sụp đổ.
Ngành may mặc may sẵn của Bangladesh cung cấp hàng cho nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, đóng góp 80% tổng thu nhập xuất khẩu của cả nước. Đổng thời, ngành công nghiệp này giúp hàng triệu phụ nữ Bangladesh thoát đói nghèo.
Trong bức thư gửi Tổng thống Trump, ông Yunus đã đề nghị Mỹ gia hạn thời gian áp thuế trong 3 tháng để chính phủ Bangladesh có thể “tăng nhập hàng của Mỹ”.
Bên cạnh lời đề nghị tăng nhập khẩu lúa mì, ngô và đậu nành, nhà lãnh đạo Bangladesh cho biết nước này sẽ đơn giản hóa thủ tục hải quan và xây dựng các kho ngoại quan miễn thuế chuyên dụng cho bông.
Bangladesh là nước nhập khẩu bông lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Nước này đang trên đà nhập khẩu 8 triệu kiện bông trong năm 2024-2025, báo cáo do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố trong tháng này. Tây Phi là nguồn cung cấp bông lớn nhất của nước này, chiếm 35% lượng nhập khẩu trong năm 2023-2024, tiếp theo là Ấn Độ và Brazil. Mỹ chiếm 11% lượng nhập khẩu bông của Bangladesh.
Các quan chức trong ngành cho biết giá bông nhập khẩu từ Mỹ có tính cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác, bao gồm cả sản phẩm được vận chuyển bằng đường bộ từ Ấn Độ. Tuy nhiên, họ cho biết việc xây dựng các kho dự trữ bông có thể giúp Bangladesh mua nhiều hơn từ Mỹ, từ đó giảm bớt thâm hụt thương mại.
Các nhà cung ứng may mặc cho các công ty Mỹ cảnh báo rằng nếu thuế quan được duy trì, họ sẽ mất khách hàng vào tay các quốc gia đối thủ đã được hứa giảm thuế quan.
“Jordan, Ai Cập và Kenya sẽ là những người chiến thắng lớn nhất”, Miran Ali, ủy viên Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh nhận định.
Ai Cập và Jordan chịu mức thuế tương đối thấp lần lượt là 10% và 20%. Kenya, với mức thuế 10%, là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội Châu Phi. Đây là chương trình thương mại lâu đời của Mỹ, cho phép các quốc gia đủ điều kiện được tiếp cận thị trường miễn thuế.
Ali cho biết các điều khoản thương mại “hiện đã thay đổi đáng kể”.
“Các thương hiệu sẽ muốn chia chi phí với chúng tôi”, Mahir Ahmed, giám đốc của Apex Holdings, cho biết. Apex Holdings là hãng sản xuất quần áo có khách hàng là Target, Walmart và Gap.
Phần lớn quần áo xuất khẩu của Bangladesh được chuyển đến các hãng bán lẻ lớn của Mỹ như JCPenney, Target và Walmart.
“Tác động sẽ là đối với khách hàng Mỹ”, Vidiya Amrit Khan, phó giám đốc điều hành của doanh nghiệp may mặc Desh Garments. “Liệu họ có sẵn sàng trả nhiều hơn không?”
Các nhà sản xuất cũng đã kỳ vọng Bangladesh dự kiến ra khỏi danh sách Quốc gia kém phát triển nhất của Liên hợp quốc vào năm tới. Điều này có nghĩa là Bangladesh sẽ mất đi các ưu đãi thương mại mà một số quốc gia châu Âu và các quốc gia khác đang được hưởng.
Theo FT