Dấu ấn bản địa trong xây dựng đô thị ven sông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Phạm Minh | 09:08 07/04/2022

Những động thái mới đây của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về việc phát triển đô thị khu vực ven sông Sài Gòn và sông Hồng cho thấy đây là xu hướng đúng đắn trong phát triển xanh và bền vững của các đô thị lớn với lợi thế gần sông, biển.

Dấu ấn bản địa trong xây dựng đô thị ven sông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
Việc xây dựng đô thị ven sông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ gắn với phát triển văn hoá và mang đậm dấu ấn bản địa.

Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045” được TP.HCM phê duyệt vào đầu năm 2022, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống được UBND TP Hà Nội công bố ngày 5/4 vừa qua được các chuyên gia của Savills kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị dọc bờ sông của hai thành phố lớn vốn có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác và đầu tư tương xứng.

Mô hình mẫu trên thế giới

Giống như sông Sài Gòn, sông Hoàng Phố cũng được coi là trái tim của Thượng Hải(Trung Quốc) và người dân. Nơi đây được xem là một hình mẫu về không gian công cộng của các thành phố châu Á với bản sắc lịch sử độc đáo và không gian xanh, tạo ra một khu vườn từ quận Hồng Khẩu hướng về sông Hoàng Phố.

Việc quy hoạch đồng bộ cho toàn khu vực đã giúp người dân cũng như các du khách một lần nữa được kết nối với dòng sông và các di sản văn hóa tại thành phố này.

Một dự án chỉnh trang đô thị nổi tiếng trên thế giới khác là bờ phía Tây của khu trung tâm thành phố Sydney (Australia) - Barangaroo.

Chuyên gia Savills cho biết, Barangaroo từng là một cảng container bị bỏ hoang với quy mô lên đến 22 ha. Đến nay, khu vực này đã trở thành một trung tâm văn hóa, kinh tế năng động.

Dự kiến, sau khi ga tàu điện ngầm tại đây được hoàn thiện vào năm 2024, hơn một nửa diện tích Barangaroo sẽ trở thành không gian công cộng đặc biệt mang tiêu chuẩn kiến trúc bền vững với phố đi bộ, công viên, quảng trường, không gian sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật và là nơi làm việc lý tưởng cho người dân thành phố.

Chính phủ Australia cũng đặt mục tiêu Barangaroo sẽ tạo ra 23.000 công ăn việc làm, là nơi sống của 3.500 cư dân và đóng góp 2 triệu AUD cho nền kinh tế bang New South Wales trong tương lai.

Bước đi của hai thành phố lớn

Trở lại với dự án ven sông của TP.HCM, khi ngày 17/3 vừa qua, địa phương này đã khánh thành công viên bến Bạch Đằng với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6 ha. Không chỉ quảng trường quanh tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo được cải tạo lại, bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm Quận 1 được khoác lên một diện mạo hoàn toàn mới.

Cùng với đó, TP.HCM cũng hướng đến xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó với ngập lụt, biến đổi khí hậu, chống sạt lở cho thành phố.

Công trình này là một trong những bước đầu tiên và cũng là tiền đề cho việc quy hoạch đồng bộ khu vực ven sông Sài Gòn sau khi đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045” được UBND TP.HCM phê duyệt.

Cũng trong đầu tháng 4, UBND TP Hà Nội đã công bố các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống theo tỷ lệ 1/500.

Lãnh đạo thành phố cho biết các đồ án được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để lập kế hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn Thànhphố, hình thành các trục không gian đặc trưng hành lang xanh với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí của Hà Nội, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Bình luận về vấn đề này, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam khẳng định, sự đồng bộ của quy hoạch đô thị là một vấn đề nóng, đang được quan tâm của chính quyền các địa phương trong thời gian gần đây.

Hiện nay, nhiều quốc gia có nền kinh tế đang trỗi dậy nhanh chóng đang lãng phí các nguồn lực do phát triển một cách thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể tránh được nếu mỗi quốc gia quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và các tài nguyên một cách chiến lược và đồng thời, từ đó mang đến một kết quả tối ưu và bền vững.

Theo chuyên gia Savills Việt Nam, các kế hoạch này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

Định hướng của chiến lược này bao gồm việc thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện với môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại.

Ông Troy Griffiths khẳng định, đây là xu hướng đúng đắn trong phát triển xanh và bền vững của các đô thị lớn với lợi thế gần sông hay biển, đồng thời giữ đậm được bản sắc văn hóa của địa phương.

“Đặc biệt, với các thành phố có diện tích đất dành cho công viên và các công trình công cộng còn hạn chế như Hà Nội và TP.HCM, việc có một quy hoạch bài bản và đồng bộ cho bờ sông Sài Gòn và sông Hồng sẽ là chất xúc tác quan trọng để phát triển đô thị mang “cảm giác về nơi chốn” (sense of place) và nhiều không gian công cộng”, vị Phó Tổng giám đốc Savills bình luận thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dấu ấn bản địa trong xây dựng đô thị ven sông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO