Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út), với hơn 60% nguồn thu ngân sách đến từ dầu mỏ và khí đốt, từng được xem là biểu tượng của thời đại nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, vương quốc này đã bắt đầu đặt cược lớn vào một thứ có vẻ đối nghịch với chính cội rễ kinh tế của mình: xe điện (EV).
Tại sao quốc gia bán dầu lại muốn bán xe không dùng dầu? Câu hỏi ấy chính là trung tâm của một cuộc chuyển mình mang tính chiến lược đầy tính toán.
Công cụ mới, giấc mơ cũ
Trong khuôn khổ chương trình Vision 2030, Saudi Arabia không chỉ muốn giảm phụ thuộc vào dầu mỏ mà còn muốn đa dạng hóa nền kinh tế, hướng tới các ngành công nghệ cao, công nghiệp sản xuất và tiêu dùng nội địa. Với xu thế chuyển dịch toàn cầu về năng lượng sạch, Saudi Arabia buộc phải tìm hướng đi mới để không bị lạc hậu khi "kỷ nguyên dầu mỏ" dần thoái trào.

Xe điện trở thành mảnh ghép quan trọng trong chiến lược đó, giúp phát triển công nghiệp, dịch vụ, đồng thời thu hút đầu tư quốc tế vào chuỗi giá trị cao. Thay vì chỉ xuất khẩu dầu thô, Saudi đặt mục tiêu sản xuất và lắp ráp xe điện ngay trên đất nước mình, gia tăng công ăn việc làm và giá trị nội địa.
Vậy Saudi Arabia có đang "tự bắn vào chân mình" khi thúc đẩy xe điện? Không hề. Trái lại, quốc gia này đang đi theo một hướng song hành: tiếp tục tối đa hóa doanh thu từ dầu trong hiện tại, nhưng dần xây dựng nền kinh tế không phụ thuộc vào nó trong tương lai.
Xe điện chính là biểu tượng của bước chuyển này. Saudi vẫn bán dầu cho thế giới – đặc biệt là các quốc gia chưa thể điện hóa phương tiện. Nhưng trong nước, họ đang tạo ra các hệ sinh thái EV để giữ lại giá trị công nghiệp, đồng thời chuẩn bị cho thời kỳ hậu carbon.
Hơn nữa, nếu xe điện được sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu ngay tại Saudi, thì vương quốc này không chỉ là "nạn nhân" của kỷ nguyên năng lượng sạch – họ có thể trở thành người chiến thắng mới.
Vậy là Saudi Arabia không chỉ bán dầu khí, nếu thành công họ còn có thể bán giải pháp "hậu dầu mỏ", qua đó duy trì vị thế của nền kinh tế.
Nếu thành công, Saudi Arabia có thể thực sự tái định vị mình trong chuỗi giá trị toàn cầu: không chỉ là nơi xuất khẩu dầu mà còn là trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe điện trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Nằm ở trung tâm Trung Đông, quốc gia này có thể trở thành cửa ngõ và trung tâm sản xuất, xuất khẩu xe điện cho khu vực.
Tầm nhìn này sẽ không dễ thành hiện thực – nhưng nếu có quốc gia nào đủ tiền, đủ quyết tâm chính trị và tốc độ hành động để thực hiện điều đó, thì đó chính là Saudi Arabia.
Quỹ Đầu tư Công (PIF) đã rót hàng chục tỷ USD vào các dự án EV, bao gồm hợp tác với Lucid Motors, Foxconn (CEER) và Hyundai để xây dựng nhà máy sản xuất nội địa.Hiện PIF là cổ đông lớn nhất của Lucid Motors, một trong những hãng xe điện cao cấp của Mỹ. Lucid đã mở nhà máy sản xuất đầu tiên bên ngoài nước Mỹ tại Jeddah.
Là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, Saudi Arabia có nguồn tài chính khổng lồ để đầu tư vào các dự án xe điện quy mô lớn, từ hạ tầng đến nghiên cứu và phát triển.

Ngoài ra, thương hiệu xe điện "made in Saudi" đầu tiên CEER là sản phẩm hợp tác giữa PIF và Foxconn, dự kiến sẽ tung ra mẫu xe đầu tiên vào năm 2026. Hãng xe Hàn Quốc Hyundai cũng đã bắt tay với Saudi để xây dựng nhà máy lắp ráp EV nội địa.
Năm 2024 đánh dấu một cột mốc: Tesla và BYD – hai "ông lớn" xe điện toàn cầu – đều chính thức bước vào thị trường Saudi với sản phẩm "giá mềm".
Hãng BYD, với mẫu Atto 3 giá chỉ 27.000 USD, đã mở showroom đầu tiên tại Riyadh vào tháng 5. Trong khi đó Tesla mở bán tại thị trường này vào tháng 4, mang theo hy vọng thúc đẩy phân khúc cao cấp.
Sự có mặt của hai tên tuổi này không chỉ làm đa dạng hóa lựa chọn cho người tiêu dùng mà còn là tín hiệu cho thấy Saudi đã đủ "hấp dẫn" để trở thành điểm đến của các thương hiệu toàn cầu. Với dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh, Saudi Arabia có một thị trường nội địa tiềm năng lớn cho xe điện.
Thế rồi Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí quốc gia của nước này đã bắt tay với các công ty khoáng sản quốc tế để khai thác và tinh luyện nguyên liệu cho pin, đón đầu xu hướng "xe điện hóa", với mục tiêu thương mại hóa từ năm 2027.
Công ty Electric Vehicle Infrastructure Company (EVIQ), một liên doanh giữa Quỹ Đầu tư Công (PIF) và Saudi Electricity Company, đang dẫn đầu nỗ lực phát triển trạm sạc. Với kế hoạch xây dựng 5.000 trạm sạc nhanh tại 1.000 địa điểm vào năm 2030, EVIQ đang "mở đường" để giải tỏa nỗi lo về phạm vi hoạt động. Chỉ trong nửa đầu năm 2024, EVIQ đã triển khai các trạm sạc nhanh đầu tiên tại Riyadh và Jeddah, và đang mở rộng ra các thành phố cấp hai cũng như các tuyến đường cao tốc chính.
Thêm nữa, quốc gia này cũng miễn thuế nhập khẩu, miễn VAT, hỗ trợ lắp đặt bộ sạc tại nhà, và trợ giá sạc công cộng… tạo động lực cho người mua EV đầu tư sớm.
Rõ ràng, Saudi không chỉ muốn bán xe điện. Họ muốn sở hữu toàn bộ chuỗi giá trị: từ pin lithium, sản xuất linh kiện, lắp ráp, cho đến mạng lưới sạc và thậm chí cả tái chế.
Thách thức
Dù đặt tham vọng lớn nhưng việc bán xe điện cho quốc gia nổi tiếng về xuất khẩu dầu mỏ không hề nhỏ.
Saudi Arabia mới chỉ ghi nhận khoảng 2.000 xe điện bán ra trong năm 2024, chiếm hơn 1% tổng doanh số ô tô so với mức trung bình toàn cầu 18% năm 2023. Quốc gia này đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ xe điện lên 30% tại Riyadh vào năm 2030, đồng thời đầu tư lên đến 39 tỷ USD cho hạ tầng và phát triển mảng EV trong giai đoạn tới.

Số liệu của Mordor Interlligence, thị trường EV Saudi được đánh giá sẽ đạt trị giá 1,86 tỷ USD vào 2030, tương ứng CAGR gần 24,6% giai đoạn 2025–2030.
Dẫu vậy, khó khăn vẫn còn đó khi hơn 60% mẫu EV tại đây có giá cao hơn 65.000 USD, trong khi 73% xe xăng nằm dưới mức đó. Thêm nữa trợ giá xăng rẻ (0,60 USD/lít) khiến chi phí vận hành xe xăng rất thấp, người dân có rất ít lý do tài chính để rời bỏ xe xăng truyền thống.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, thu nhập bình quân đầu người cao và tầng lớp thượng lưu tại Saudi Arabia có sức mua lớn, sẵn sàng chi trả cho các công nghệ mới và sản phẩm cao cấp như xe điện. Các cuộc khảo sát cho thấy hơn 40% người tiêu dùng Saudi Arabia đang cân nhắc mua xe điện trong ba năm tới, và 70% có sở thích "trung bình đến mạnh" trong việc sở hữu BEV.
Một khó khăn khác là cơ sở hạ tầng. Đến cuối 2024, Saudi Arabia chỉ có khoảng 101–285 trạm sạc (phần lớn là sạc chậm), tập trung chủ yếu ở Riyadh và Jeddah, chưa đủ cho nhu cầu di chuyển liên tỉnh. Khoảng cách giữa hai thành phố lớn nhất tại Saudi Arabia lên tới gần 950 km, trong khi nhiều mẫu EV chỉ đạt tầm hoạt động 300–400 km mỗi lần sạc.
Chưa dừng lại đó, nhiệt độ mùa hè có thể vượt 50 độ C, làm giảm hiệu suất pin và kéo dài thời gian sạc, đồng thời làm tăng tiêu hao năng lượng để làm mát. Mặc dù công nghệ pin đang phát triển, việc tối ưu hóa hiệu suất pin trong điều kiện khắc nghiệt vẫn là một thách thức.
Thế rồi nhân lực và chuỗi cung ứng cũng là vấn đề. Ngành công nghiệp xe điện đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao về công nghệ pin, phần mềm, và sản xuất. Bởi vậy Saudi Arabia có thể phải đối mặt với thiếu hụt nhân lực có kinh nghiệm trong giai đoạn đầu phát triển.
Trong khi đó, mặc dù có tiềm năng về khoáng sản, việc xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu thô cho pin EV trong nước là một quá trình dài và tốn kém, đòi hỏi đầu tư lớn.
Ngoài ra, ngành công nghiệp xe điện toàn cầu đang rất cạnh tranh, với sự thống trị của các cường quốc sản xuất và chuỗi cung ứng đã có uy tín như Trung Quốc thì việc Saudi Arabia muốn chen chân vào là điều không dễ dàng.

Bất chấp điều đó, kinh doanh xe điện vẫn là một cuộc chơi dài hơi. Việc Saudi Arabia thúc đẩy bán và sản xuất xe điện không đơn giản là một lựa chọn công nghệ – đó là chiến lược sống còn để tồn tại trong thế kỷ 21. Trong khi thế giới đang điện hóa để thoát khỏi dầu, thì chính "đại gia dầu mỏ" lại đang tìm cách… sống sót và làm giàu nhờ xe điện.
Và nếu thành công, Saudi Arabia sẽ chứng minh rằng không có gì mâu thuẫn khi một quốc gia bán dầu lại là nơi bán ra những chiếc xe không cần dầu.
*Nguồn: CNN, Fortune, BI