Phát biểu tại Toạ đàm, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản (BĐS) là một lĩnh vực quan trọng, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế nói chung và cũng là lĩnh vực cơ sở để các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Về cơ hội, chúng ta đang trong một giai đoạn mới với các cơ chế, chính sách phát luật trong ngành bất động sản và liên quan. Những hàng lang luật mới đã được đưa vào thực tế như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… tháo gỡ rất nhiều trong việc đầu tư dự án BĐS. Chính phủ, các bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT cũng xây dựng những thông tư hướng dẫn, được tổ chức triển khai, tập huấn đến tất cả địa phương trên cả nước.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thị trường BĐS đang dần đi vào ổn định, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn lại thời gian qua cho thấy, năm 2023 – 2024 BĐS thiếu nguồn cung giá tăng, tăng rất cao và cao đột biến. Nếu giá giữ nguyên mức này, thì người lao động rất khó để tìm được nhà ở. Cả nhà chung cư cũ, tập thể cũ, giá cũng lên gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây.
Tuy nhiên, khi thiết lập khung giá mới, nguồn cung tăng lên, thị trường bắt đầu chững lại. Sắp tới các sản phẩm BĐS được tung ra thị trường tăng lên cùng với đó là chính sách được ban hành, thị trường BĐS sẽ dần ổn định giá hơn. Từ đó, người lao động có thể tiếp cận mua nhà.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, qua ý kiến của đại diện hai cơ quan quản lý của Chính phủ cho thấy, những cơ hội và thách thức.
“Chúng tôi đại diện cho những doanh nghiệp cũng nhận thấy rất nhiều cơ hội và thách thức trong năm 2025. Thị trường hiện có những yếu tố như cung, cầu, giá, giao dịch”, ông Đính nói.
Với yếu tố cung, những phân tích hai đại diện của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Xây dựng, chúng ta thấy sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ và đặc biệt sẽ còn mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Cùng với sự quyết tâm vươn lên vực dậy qua chuỗi khó khăn của các doanh nghiệp, chắc chắn cung sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025.
Trong đó, BĐS về nhà ở, nguồn cung mới tại Hà Nội và các đô thị vệ tinh dự kiến sẽ ước đạt 3.000 -7.000 sản phẩm. Tại TP. Hồ Chí Minh và các vùng ven của khu vực này ước đạt trên 8.000 sản phẩm. Như vậy, thị trường rõ ràng đã nhiều hơn năm 2024 và cộng với những sản phẩm tồn kho đang dở dang, chưa bán thì nguồn cung khá dồi dào, nhiều hơn trong năm 2025.
Trong đó, BĐS nghỉ dưỡng cũng được cải thiện rõ rệt, sẽ tăng 70-80% so với năm 2024. Nguồn cung nhà ở tập trung sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp và trung cấp. Thị trường bình dân chúng tôi ghi nhận có sự cải thiện tích cực vào các dự án nhà ở xã hội. Các dự án thương mại giá rẻ hiện tại vẫn chưa thấy sự xuất hiện. Về cầu, cầu đầu tư do vấn đề đầu tư vào hạ tầng đô thị, đầu tư công cộng hưởng tăng trưởng kinh tế cũng khá tốt.
Mới đay Chính phủ đặt quyết tâm GDP đạt 8% thì rõ ràng tăng trưởng kinh tế sẽ tốt lên. Như vậy, cả cầu thực và cầu đầu tư sẽ có xu hướng tăng trong năm 2025.
Về giá bán, năm 2025 sẽ có xu hướng điều chỉnh hợp lý hơn so với mức tăng quá mức so với năm 2024. Tuy nhiên, mức giảm sâu sẽ khó xảy ra vì một số vấn đề như giá đất, bảng giá đất, chi phí đang có dấu hiệu tạo áp lực đầu vào cho giá thành cho sản phẩm BĐS.
Về giao dịch, khả năng sẽ tăng tốt hơn trong năm 2025 bởi các yếu tố cung tốt hơn, các phân khúc ổn định hơn và đặc biệt giá sẽ được điều chỉnh và giữ nhịp ở mức tốt, dẫn đến giao dịch có xu hướng tăng.
“Nhìn chung, thị trường sẽ hoạt động tích cực hơn so với năm 2024. Các chỉ số về thị trường cung, cầu cải thiện nhưng chưa thể quay về như năm 2018 – 2019”, ông Đính nhấn mạnh.