Một ngành quan trọng ở nền kinh tế tỷ dân rơi vào khủng hoảng vì thiếu... rác: Loạt nhà máy rơi vào cảnh bỏ không, ‘méo mặt’ vì vượt kế hoạch ngoạn mục

Y Vân | 10:26 25/07/2025

Khi tình trạng dư thừa sản xuất trong các ngành công nghiệp từ thép truyền thống, ô tô đến pin mặt trời đang làm dấy lên nhiều lo ngại tại Trung Quốc, một lĩnh vực ít được chú ý cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự: đốt rác phát điện.

Một ngành quan trọng ở nền kinh tế tỷ dân rơi vào khủng hoảng vì thiếu... rác: Loạt nhà máy rơi vào cảnh bỏ không, ‘méo mặt’ vì vượt kế hoạch ngoạn mục

Dù đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có công suất xử lý rác thải lớn nhất thế giới, ngành đốt rác của nước này hiện đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu do tốc độ phát sinh rác giảm. Kết quả là hàng loạt nhà máy vận hành dưới công suất hoặc bị bỏ không.

Theo dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc và các tổ chức nghiên cứu, từ năm 2019 đến nay, lượng rác thải sinh hoạt tại nước này chỉ tăng hơn 10%, trong khi công suất đốt rác đã tăng gấp đôi. Vì vậy, khoảng 40% công suất xử lý đang bị bỏ trống.

Không đủ rác để đốt

Năm 2023, Trung Quốc thu gom và vận chuyển khoảng 262 triệu tấn rác thải sinh hoạt – tăng 11% so với mức 235 triệu tấn vào năm 2019, theo số liệu của Bộ Sinh thái và Môi trường.

Tính đến tháng 10/2023, Trung Quốc có tổng cộng 1.010 doanh nghiệp đốt rác, với tổng công suất đạt 1,11 triệu tấn/ngày – gấp đôi so với 457.639 tấn/ngày vào năm 2019.

Trong một báo cáo đầu tháng 7/2025, công ty chứng khoán Cinda Securities cho biết các nhà máy đốt rác tại Trung Quốc hiện chỉ vận hành trung bình khoảng 60% công suất. Nguyên nhân là do kỳ vọng quá lạc quan vào tốc độ phát triển đô thị tại các địa phương, trong khi năng lực thu gom rác lại không theo kịp.

Từ những năm 2000 đến 2010, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng chính sách khuyến khích đã thúc đẩy Trung Quốc chuyển từ chôn lấp sang đốt rác.

Theo kế hoạch 5 năm về phân loại và xử lý rác sinh hoạt giai đoạn 2021–2025, mục tiêu đến cuối năm 2025 Trung Quốc đạt công suất đốt rác 800.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, mục tiêu này đã được vượt qua từ năm 2022.

Kế hoạch sai lệch

Chuyên gia môi trường Chen Liwen – người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý rác – cho biết các kế hoạch trước đây đã đánh giá sai mức độ đô thị hóa và không dự đoán được xu hướng giảm dân số cùng sự chững lại của nền kinh tế.

“Nguyên nhân chính dẫn đến dư thừa công suất là vì các kế hoạch ban đầu dựa trên ước tính về đỉnh dân số và lượng rác tương ứng. Nhưng rồi đại dịch COVID-19 khiến dân số các thành phố lớn giảm mạnh, và hành vi tiêu dùng thay đổi theo hướng tiết kiệm hơn đã làm giảm lượng rác phát sinh”, bà nói.

Ngoài ra, các ưu đãi tài chính của chính phủ cũng đã góp phần đẩy nhanh làn sóng xây dựng nhà máy đốt rác. Từ 2006, Trung Quốc xếp đốt rác vào nhóm năng lượng tái tạo và đưa ra trợ cấp lớn cho điện rác, khiến nhiều doanh nghiệp đổ xô vào lĩnh vực này như một “mỏ vàng”.

Tuy nhiên, kể từ năm 2020, chính phủ bắt đầu giảm dần trợ cấp. Tới thời điểm đó, dấu hiệu dư thừa đã rõ rệt, nhưng các nhà máy vẫn tiếp tục mọc lên do thời gian thu hồi vốn kéo dài tới cả thập kỷ.

Ngoài kinh tế suy giảm, chiến dịch phân loại rác bắt đầu từ 2017 và trở nên bắt buộc tại các đô thị lớn như Thượng Hải từ 2019 cũng khiến lượng rác có thể đốt giảm đáng kể. Cinda Securities nhận định đây là yếu tố quan trọng khiến ngành đốt rác càng thêm khó khăn.

Tình trạng dư thừa công suất cũng không diễn ra đồng đều trên toàn quốc. Tại Quảng Đông và Chiết Giang – hai tỉnh đi đầu trong xây dựng nhà máy đốt rác – tỷ lệ công suất dư thừa lần lượt ở mức 60% và 49% trong năm 2023. Ngược lại, Tứ Xuyên, Hồ Nam và Thiểm Tây đạt tỷ lệ sử dụng công suất gần 90%.

Tham khảo: SCMP


(0) Bình luận
Một ngành quan trọng ở nền kinh tế tỷ dân rơi vào khủng hoảng vì thiếu... rác: Loạt nhà máy rơi vào cảnh bỏ không, ‘méo mặt’ vì vượt kế hoạch ngoạn mục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO