Vướng mắc pháp lý đang “kìm chân” thị trường
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) nhận định, khó khăn lớn nhất cuae thị trường bất động sản hiện nay chính là những vướng mắc về mặt pháp lý, chiếm tới 70% các khó khăn. Vì vậy, tháo gỡ về mặt pháp lý là vấn đề đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận ra và từ đó ban hành Nghị quyết 18 ngày 16/6/2022 về sửa đổi Luật Đất đai và các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.
Theo ông Lê Hoàng Châu, muốn tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, thì ngay từ bây giờ, phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng của dự thảo các văn bản luật sửa đổi.
"Các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) hiện nay còn bề bồn, nhiều vấn đề cần được tiếp tục góp ý. Ngoài ra, cần sửa đổi một số điều của các luật có liên quan khác, bởi vì trong khi một số luật chưa được sửa đổi thì việc kết hợp sửa một số điều của các luật này sẽ đảm bảo pháp luật được đồng bộ, thống nhất", ông Lê Hoàng Châu đề xuất.
Ngoài ra, Chủ tịch HOREA cho rằng, trong thời gian chờ đợi các luật trên có hiệu lực (ngày 1/7/2024) thì Chính phủ cần ban hành các nghị định cực kỳ quan trọng để tháo gỡ ngay những vướng mắc của thị trường BĐS, đó là: Nghị định sửa đổi các nghị định về đất đai, Nghị định sửa đổi các nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Nghị định quy định về quy trình, thủ tục hành chính đầu tư xây dựng các dự án BĐS, nhà ở, đô thị để thống nhất về thủ tục hành chính ở trong toàn quốc.
Đối với Nghị định 65 về phát hành trái phiếu, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ hoan nghênh Bộ Tài chính đã nỗ lực để lùi thời điểm áp dụng sang 1/1/2024. Tuy nhiên, ông Châu đề xuất lùi thêm đến 1/1/2025 để giúp thị trường giảm bớt khó khăn về thanh khoản.
"Bốn nghị định trên sẽ giúp giải quyết ngay những vấn đề trước mắt của thị trường BĐS. Chính phủ cần xem xét ban hành trong tháng 2/2023, chậm nhất là đầu tháng 3, vì tất cả các dự thảo nghị định này đã được chuẩn bị xong".
Ngoài ra, Chủ tịch HOREA cho rằng, việc giải quyết về mặt pháp lý có một phần trách nhiệm của địa phương. Lấy ví dụ, Nghị định 148 của Chính phủ về xử lý đất xen kẽ đã ban hành năm 2020, nhưng cho đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành quy định về tách diện tích đất Nhà nước xen kẽ nằm trong dự án nhà ở thương mại để xử lý. Cùng với trách nhiệm của địa phương là trách nhiệm trong thi hành công cụ của cán bộ, công chức.
Khơi thông “dòng máu” vốn cho thị trường
Bên cạnh những vướng mắc về pháp lý thì theo ông Châu, vướng mắc thứ hai cũng nan giải không kém là câu chuyện tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản.
Về vấn đề này, Chủ tịch HOREA đề xuất gia hạn trong phạm vi từ 12-24 tháng đối với các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn để không bị chuyển qua nhóm nợ xấu nhóm 4 - nợ xấu không thu hồi được.
Cụ thể, theo ông Châu, nếu doanh nghiệp đang ở khoản nợ xấu nhóm 2, hoặc nhóm 3 muốn có khoản vay mới thì phải đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý; có tài sản bảo đảm; dự án có tính khả thi và doanh nghiệp có khả năng thanh toán tiền lãi lẫn hoàn trả nợ gốc. Ngoài ra, người mua nhà cũng cần được vay tiền để giải quyết bài toán thanh khoản cho thị trường.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu cho rằng, ngoài 2 vướng mắc lớn trên, cần giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp; ổn định tâm lý thị trường; xử lý các dự án đang bị vướng mắc…
Cuối cùng, quan trọng không kém, theo Chủ tịch HOREA, chính là trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản.
“Các doanh nghiệp cần phải đồng hành, hợp tác với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết các vướng mắc. Ngoài ra, phải có trách nhiệm tái cấu trúc lại chính doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm để chuyển hướng sang sản phẩm nhà ở hợp túi tiền; hưởng ứng chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ phát động; giảm giá nhà về thực chất, tạo điều kiện cho người mua nhà tiếp cận tín dụng”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.