Những kiến nghị “sống còn” của ngành xây dựng, bất động sản gửi tới Chính phủ

PV | 07:42 17/02/2023

Báo cáo của Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phục vụ Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững đều kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan tháo gỡ về pháp lý dự án, giải toả cơn khát về vốn và giãn thời gian trả nợ…

Những kiến nghị “sống còn” của ngành xây dựng, bất động sản gửi tới Chính phủ
Các đề xuất chủ yếu tập trung vào tháo gỡ pháp lý dự án, giảm lãi suất cho vay, nới room tín dụng và giãn thời gian trả nợ. (Ảnh: Int)

Tại Báo cáo phục vụ Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đánh giá, thời gian qua thị trường bất động sản có nhiều khó khăn. Theo đó, điển hình là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động…

Còn tham luận của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) gửi đến Chính phủ cho biết, đến cuối năm 2022, có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.  

Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, nhân lực lao động. Doanh nghiệp môi giới thiếu dòng tiền, cắt giảm nhân sự, giảm lương và đóng cửa văn phòng do thua lỗ nặng.

Để tháo gỡ cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất loạt giải pháp. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi.

Trình Chính phủ ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng”; “Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị”. Trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi.

Về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”.

Thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).

Về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng đề xuất điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong đó huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể huy động vốn…

Ngoài ra, gỡ khó về pháp lý cho các dự án; tăng cường đấu giá đất; đấu thầu dự án; chấp thuận chủ trương đầu tư; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất.

Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn giãn, hoãn các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch Covid. Trường hợp doanh nghiệp bị nhảy sang nhóm nợ xấu hơn thì khôi phục lại. Không nên áp dụng mức lãi suất mới cho các khoản vay cũ; Hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

Cần có chính sách hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc mua lại trái phiếu đã phát hành mà doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn và chứng minh được việc sử dụng nguồn tiền trái phiếu phát hành đúng mục đích.

Có chính sách phát triển các kênh dẫn vốn mới như quỹ đầu tư bất động sản (REIT), quỹ nhà ở… Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ để người dân có nhu cầu vay mua nhà để ở dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn.

Về pháp lý, VNREA kiến nghị đẩy nhanh quá trình sửa luật để ổn định phát triển dài hạn; đặc biệt cần có chính sách mạnh hơn để thúc đẩy nhà ở xã hội nhằm tạo sản phẩm phù hợp thị trường, thúc đẩy giao dịch…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Những kiến nghị “sống còn” của ngành xây dựng, bất động sản gửi tới Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO