Chính phủ chỉ đạo “nóng” về Thông tư 06 tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

Minh Trang (TH) | 08:06 18/08/2023

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện hiện nay.

Chính phủ chỉ đạo “nóng” về Thông tư 06 tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản
Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh VGP)

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây.

Thời gian qua, các Hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến về nội dung Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó có nội dung tác động ảnh hưởng đến hoạt động vay vốn của các doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam… khẳng định Thông tư 06/2023/TT-NHNN "không siết điều kiện vay vốn"; bày tỏ đồng tình với Ngân hàng Nhà nước cần triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tránh tình trạng sở hữu chéo, cho vay đối với doanh nghiệp nội bộ, doanh nghiệp sân sau.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, khoản 8, Điều 8, Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi Thông tư 06/2023/TT-NHNN cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn, để tránh gây ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường của doanh nghiệp bất động sản trong đầu tư, mua bán, sáp nhập, góp vốn, tái cơ cấu...

Các ý kiến cũng trao đổi về các cụm từ: "dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" (khoản 9); "bù đắp tài chính" (khoản 10); đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thời gian "dưới 12 tháng" (quy định tại khoản 10) lên thành 24 hoặc 36 tháng cho phù hợp với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện tại…

Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp,… đã trao đổi cụ thể với các hiệp hội, doanh nghiệp về các nội dung nêu trên; cho rằng đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ ngành lắng nghe ý kiến từ thị trường, từ doanh nghiệp, đánh giá kỹ các tác động để "tìm ra những điểm cân bằng" và có những biện pháp phù hợp vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội đã rất cầu thị, trao đổi thẳng thắn để làm rõ bản chất vấn đề cần xử lý.

Theo Phó Thủ tướng, sau khi ban hành 2 thông tư trên, có nhiều nội dung được đánh giá cao. Tuy nhiên cũng còn những nội dung các doanh nghiệp, hiệp hội có ý kiến. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao cũng như tình hình thực tế,… nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện hiện nay.

Trước đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã có kiến nghị thu hồi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo VARS, hiện nay, “pháp lý” và “nguồn vốn” đang là hai khó khăn chính và cơ hữu của thị trường bất động sản. Mặc dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ và giải quyết nhưng cho tới thời điểm hiện tại, hai khó khăn này vẫn chưa thực sự tìm được hướng giải quyết dứt điểm.

VARS phân tích: Trước mắt có thể thấy, nếu thông tư 06/2023/TT-NHNN được áp dụng, sẽ gây ra một số bất cập như sau:

Thứ nhất, các dự án đang bị vướng mắc pháp lý hoặc đang thiếu vốn chưa đủ điều kiện để triển khai tiếp. Nếu không được cho vay, thì doanh nghiệp coi như bị “đứng hình”, không có cơ hội xoay chuyển.

Thứ hai, hiện nay M&A đang được coi là một kênh góp phần hỗ trợ tích cực, mở ra lối thoát cho doanh nghiệp và cho cả thị trường. Khi các chủ đầu tư gặp khó khăn, đứng trên nguy cơ “chết chìm trên đống tài sản” có thể bán bớt một phần tài sản để cứu các phần tài sản còn lại. Nhờ đó các dự án có cơ hội được tái khởi động, nguồn cung trên thị trường cũng từ đó gia tăng. Nhưng thông tư 06/2023/TT-NHNN có nguy cơ sẽ khiến hoạt động này trở lên khó khăn hơn.

Thứ ba, các quy định, thủ tục thể hiện trong thông tư 06/2023/TT-NHNN còn nhiều điểm chưa rõ, rất dễ khiến thị trường thêm rối. Từ đó, kéo dài thời gian chững của thị trường, ảnh hưởng đến quá trình “hồi sức” của thị trường.

Từ những phân tích trên VARS đề xuất, Thông tư này làm rõ đối tượng được vay, gặp khó khăn do pháp lý mâu thuẫn/khó về vốn buộc phải dừng giải phóng mặt bằng/ nộp tiền sử dụng đất/ mua lại các doanh nghiệp khó.

Đồng thời, Thông tư cần có phương án cho vay đối với những đối tượng đặc biệt. Có cơ chế giám sát, bảo đảm hiệu quả sau cho vay. Thủ tục cho vay cần quy định chi tiết, rõ ràng. Chỉ nên căn cứ những gì pháp luật cấm. Không nên cấm những gì mà pháp luật chưa phù hợp, đang phải xem xét, điều chỉnh

Trước tình hình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06 để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng ký công văn hoả tốc số 746/TTg-KTTH ngày 16/8/2023 giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp ngay với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chính phủ chỉ đạo “nóng” về Thông tư 06 tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO