Cần cơ chế “chặn” doanh nghiệp “đi đêm” gom đất

Hải Sơn | 09:20 31/08/2022

"Lâu nay các doanh nghiệp đang tận dụng cơ chế thông thoáng trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sự “bí mật” trong quy hoạch của cơ quan quản lý đất đai, đã thực hiện mua gom đất của dân, tự lập dự án, tự xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng… nên chúng ta không điều tiết được. Do đó, cần sửa cơ chế này cùng với việc công khai minh bạch, tăng cường giám sát".

Cần cơ chế “chặn” doanh nghiệp “đi đêm” gom đất
Chúng ta cần sửa cơ chế để các doanh nghiệp không thể mua gom đất của dân, tự lập dự án, tự xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng... (Ảnh minh hoạ: Int)

Tại Hội thảo với chủ đề: “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật đất đai 2013” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Cục trưởng Cục thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đã điểm lại việc áp dụng các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu tài chính liên quan đến đất đai trong thời gian Luật Đất đai 1993 có hiệu lực cho đến nay. Đồng thời, đề xuất giải pháp sửa đổi những điểm chưa phù hợp trong chính sách cũ.

Nhiều kẽ hở chính sách

Theo ông Phụng; Luật đất đai năm 1993 đến nay đã có những thay đổi đặc biệt quan trọng và hiện vẫn được xác định là điểm mốc để giải quyết các quan hệ cốt lõi trong giao dịch dân sự về đất đai.

Thực tiễn thi hành các chính sách thuế, phí và các khoản thu tài chính đối với đất đai trong những năm qua cho thấy các chính sách thu được thiết kế bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật về đất đai, thực hiện vai trò công cụ kinh tế hữu hiệu cần thiết được sử dụng trong quản lý nhà nước về kinh tế đối với đất đai.

Chính sách thuế và thu đã động viên được nguồn lực từ đất đai, tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính giai đoạn 2012 – 2017, số thu tiền sử dụng đất chiếm khoảng 6,6% tổng thu ngân sách nhà nước, tương đương 9,1% tổng thu nội địa và 14,7% tổng thu ngân sách địa phương. Năm thấp nhất đạt 44.287 tỷ đồng, năm cao nhất (2016) đạt gần 99.700 tỷ đồng.

Số thu tiền cho thuê đất, năm thấp nhất đạt 7.270 tỷ đồng, năm cao nhất (2016) đạt số thu 22.350 tỷ đồng tương ứng 2,7% thu nội địa, đạt khoảng 4,1% ngân sách địa phương.

Số thu về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bình quân khoảng 1.300 tỷ đồng mỗi năm và tốc độ tăng bình quân hàng năm 1,3%.

Tuy nhiên, các chính sách thuế, phí và thu tài chính đối với đất đai đang còn bộc lộ một số điểm cả về nội dung chính sách và tổ chức thực hiện. Cụ thể: Việc xác định nghĩa vụ thuế sử dụng đất nông nghiệp theo hạng đất và định suất thuế trên đơn vị diện tích đất đến nay không còn phù hợp với cơ chế thị trường bởi thực tế đất nông nghiệp cho dù thuê hay chuyển nhượng đều có giá.

Thực tế, hiện nay người có đất nông nghiệp không muốn sản xuất vì hiệu quả thấp, trong khi không ít doanh nghiệp có nhu cầu diện tích lớn để sản xuất theo quy mô lớn nhưng không thể thỏa thuận được với nông dân.

Bên cạnh đó, cách tổ chức thực hiện các chính sách tài chính về đất đai không thống nhất giữa các địa phương cùng với tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong việc giao đất, cho thuê đất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gây nên những thiệt hại rất lớn cho đất nước.

Đồng thời, cơ chế hội đồng trong tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đã và đang tạo ra những kẽ hở rất lớn gây thất thoát nguồn lực tài chính và có ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

Ngoài ra, tình trạng quân xanh/quân đỏ, tiêu cực, bảo kê… trong tổ chức thực hiện các cuộc đấu giá đất cũng có nguyên nhân từ những bất cập trong quản lý đất đai thiếu minh bạch, không công khai hoặc công khai mang tính “phù phép” ở một số địa phương.

Cần tăng thuế

Từ sự không phù hợp và bất cập về chính sách và thực tiễn thực hiện chính sách đất đai trong thời gian qua, đối chiếu với các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ông Nguyễn Văn Phụng đề xuất.

Theo đó, ông Phụng cho rằng cần áp dụng các khoản thu khi Nhà nước trao quyền sử dụng đất/công nhận quyền sử dụng đất các khoản phí, lệ phí về thủ tục như lệ phí địa chính, lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất.

Tại khâu chuyển nhượng đất áp dụng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

“Tôi cho rằng không cần phải thêm sắc thuế, khoản thu nào nhưng phải sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển trong giai đoạn tiếp theo”, ông Phụng nói.

Để hạn chế đầu cơ cần cân nhắc mối quan hệ giữa tăng thuế đối với đất nắm giữ hay tăng thuế khâu mua/bán chuyển nhượng bởi việc đầu cơ nắm giữ đất đai có liên quan đến thị trường bất động sản.

Đối với đất phi nông nghiệp cần thiết sẽ tăng thuế, áp thuế lũy tiến theo tiêu chí diện tích, hoặc theo tiêu chí số lượng thứ tự mảnh đất hoặc kết hợp cả 2 tiêu chí.

Đối với việc giao đất, thực tế hiện nay đất đang sử dụng đều có chủ, cho nên khi Nhà nước giao đất cho chủ mới sẽ phải thu hồi đất của người đang sử dụng.

“Do vậy khi tính khoản thu về giao đất chúng ta phải tính đến khoản chi ra để bồi thường cho người đang sử dụng có đất bị thu hồi”, ông Phụng cho biết.

Ông Phụng chia sẻ thêm, lâu nay các doanh nghiệp đang tận dụng cơ chế thông thoáng trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sự “bí mật” trong quy hoạch của cơ quan quản lý đất đai, đã thực hiện mua gom đất của dân, áp dụng đền bù và các biện pháp tổng hợp để lấy được đất của dân, tự lập dự án, tự xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng… và được hỗ trợ bằng cơ chế “Hội đồng” nên chúng ta không điều tiết được. Vậy, nay cần sửa cơ chế này cùng với việc công khai minh bạch, tăng cường giám sát.

Với thuế chuyển nhượng đất thì thực tế thất thu nhiều nhất là do cơ chế giá đất tính thuế, giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và công bố hàng năm không bao giờ theo sát được thị trường, đó là thực tế ở mọi nơi, mọi lúc.

“Tôi kiến nghị áp dụng cả thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản”, ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cần cơ chế “chặn” doanh nghiệp “đi đêm” gom đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO