Nguy cơ suy thoái
Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết tình hình thị trường bất động sản năm 2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn so cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, việc thiếu nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ cũng như một số yếu tố bất lợi khác đang đặt thị trường bất động sản trước nguy cơ suy thoái.
Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ “bong bóng” chuyển sang nguy cơ “suy thoái”, thiếu nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Đặc biệt, cơ quan này cho rằng có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giá giao dịch tăng cao.
Trong đó, nguồn cung bất động sản hạn chế tại tất cả các phân khúc: số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III/2022 khoảng 4.123 căn; số lượng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp hoàn thành trong 6 tháng là 13 dự án, với 6.000 căn; số lượng dự án đầu tư hạ tầng thực hiện phân lô, bán nền được chấp thuận mới, đang triển khai và hoàn thành trong quý I/2022 là 232 dự án, với 62.913 ô đất; số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được triển khai, hoàn thành trong quý III/2022 là 9 dự án.
Về giá bán, Bộ Xây dựng cho biết giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý II/2022 ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường đặc biệt là thị trường thứ cấp.
Về tồn kho bất động sản, trong quý III/2022, tổng lượng giao dịch là 51.003 giao dịch, nguồn cung bất động sản có 18.885 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch. Qua đánh giá, Bộ Xây dựng nhận thấy trong quý không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp. Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao.
Về tín dụng bất động sản, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 796.689 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ năm 2022 còn chậm theo tiến độ được giao.
Nguyên nhân do các văn bản pháp luật của ngành có nội dung rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong khi sự phối hợp tham gia soạn thảo, góp ý đôi khi chưa chặt chẽ, khoa học, chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm thời gian theo yêu cầu.
Ngoài ra, việc sửa đổi các quy định của pháp luật và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn chậm, chưa theo kịp với những bức xúc, vướng mắc trong thực tiễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát các hoạt động về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế.
Bên cạnh đó, chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại một số địa phương chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, còn chậm đổi mới; công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ; trình độ, năng lực của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu.
Nhiều giải pháp trong năm 2023
Bước sang năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp…
Bên cạnh việc tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp đảm bảo phát triển ổn định, lành mạnh thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu cũng tăng cường xử lý các sai phạm theo thẩm quyền.