Bộ Tài chính đề xuất biện pháp tăng cường giải ngân vốn đầu tư công

Nhật Đức | 07:29 22/05/2024

Chiều 21/5, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024.

Bộ Tài chính đề xuất biện pháp tăng cường giải ngân vốn đầu tư công
Các đại biểu tham dự buổi làm việc tại điểm cầu Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến ngày 15/05 đạt 5,7% kế hoạch vốn được giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4,9%.

Tuy nhiên, kết quả này được Bộ Tài chính đánh giá là vẫn khá thấp.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn được giao về các địa phương là hơn 24.172 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công là gần 9.500 tỷ đồng (53/63 địa phương), vốn vay lại là gần 15.000 tỷ đồng (51/63 địa phương).

Tính đến tháng 5/2024, trên toàn quốc mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, vẫn còn 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn từ ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Qua quá trình làm việc với các địa phương, các dự án và theo dõi số liệu giải ngân của các dự án, Bộ Tài chính cho biết có 3 nhóm vướng mắc chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Đầu tiên, có thể kể đến các vướng mắc trong khâu điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư.

Ngoài ra, vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân như trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại, về giải phóng mặt bằng và vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

5.ong-hoang-hai-pho-cuc-truong-cuc-qln.jpg
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính tham gia cho ý kiến tại buổi làm việc.

Từ những vướng mắc trên, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân như đảm bảo thời gian xử lý đơn rút vốn đúng quy định, tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn.

Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối.

Về phía Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đề nghị cần hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn rõ ràng hơn cho các địa phương về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án đối với các dự án.

Với các địa phương, Bộ Tài chính đề xuất tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, cần có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển.

Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương cần báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, trên cơ sở phê duyệt/quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).

Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng; sớm xử lý các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ Tài chính đề xuất biện pháp tăng cường giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO