Ông Nguyễn Đức Chi điểm nhanh một số biểu hiện:
Thứ nhất là khối lượng phát hành, trong thời gian qua, tính đến 25/11/2022 có xu hướng giảm, đọng 331.8 nghìn tỷ, và giảm 31,6% so với cùng kỳ 2021, đặc biệt là giảm dần qua các quý. Trong khi đó có hiện tượng mua lại trước hạn, tức là trái phiếu chưa hết hạn thì doanh nghiệp phát hành mua lại hoặc là nhà đầu tư đề nghị mua lại. Tình hình này nhiều, phản ánh sự khó khăn, phản ánh niềm tin trên thị trường. Và số liệu chúng tôi nắm được thì đến 25/11/2022, khối lượng mua lại trước hạn của các doanh nghiệp là 161 nghìn tỷ đồng và bằng 114% của khối lượng mua lại năm 2021. Đấy là số liệu về tình hình thị trường phát hành, mua lại.
Thứ hai là đánh giá niềm tin của thị trường giảm sút, ảnh hưởng rất lớn, rất nhiều đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá nguyên nhân của niềm tin thị trường có nhiều, nhưng có một số nguyên nhân như sau: Thứ nhất, một số vụ việc vi phạm từ doanh nghiệp phát hành, ngân hàng thương mại mà chúng ta phải xem xét và xử lý. Từ những vi phạm ấy ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư, niềm tin của doanh nghiệp tư vấn, và của chính doanh nghiệp phát hành.
Rồi tin đồn không chính xác cũng ảnh hưởng, đặc biệt trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay. Trong cuộc họp gần đây nhất, ở họp báo Chính phủ tôi cũng đã báo cáo vấn đề này và nhờ Bộ Công an, báo chí giúp cho để giảm bớt việc này. Bộ Công an đã xử lý rất nghiêm một số vụ việc, báo chí cũng đã đóng góp rất nhiều vào việc hạn chế tin đồn thất thiệt ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường.
Các doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn về thanh khoản, về dòng tiền, về tín dụng và thị trường bất động sản khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu cũng khó khăn. Như vừa rồi đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã nói, khó khăn này cũng ảnh hưởng tới thị trường, làm cho thị trường của chúng ta nhìn thấy một bức tranh không tươi sáng mà là một bức tranh ở gam màu trầm. Đấy là thực trạng của thị trường.
Giải pháp gì để chúng ta tiếp tục ổn định và phát triển thị trường này, trong đó có việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư? Tình hình nào, nguyên nhân nào thì chúng ta xác định các giải pháp đó. Chúng tôi đánh giá có mấy nhóm.
Thứ nhất là về khuôn khổ pháp lý. Vừa rồi Chính phủ sau khi xem xét đánh giá đã ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 153. Có thể nói Nghị định 65 ra đời đã kịp thời tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường, xử lý các vấn đề bất cập cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Thế nhưng tình hình thị trường thay đổi, diễn biến cực kỳ nhanh chóng trong những tháng vừa qua nên đặt ra vấn đề để thích ứng tình hình mới thì chúng ta hành động gì? Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ phải rà soát ngay, kể cả Nghị định 165 vừa mới ban hành, để nếu có vấn đề gì, tình hình biến đổi như thế nào và cần bổ sung hoặc thay đổi thì chúng ta phải thực hiện ngay để thị trường quay trở lại.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang khẩn trương để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề pháp lý liên quan đến Nghị định 165 và các quy định liên quan, và trong thẩm quyền của Chính phủ sẽ xem xét giải quyết trong tháng 12.
Với những việc đó, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần ổn định và đưa các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư sớm quay lại thị trường và để thị trường phát triển, vận hành một cách bình thường trở lại.
Trong triển khai thực tế, ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tổ chức buổi làm việc trực tiếp với 37 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có quy mô phát hành và lượng phát hành lớn, và có một số đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Cùng với đó, gần 10 công ty chứng khoán có thị phần tư vấn phát hành trái phiếu Chính phủ lớn.
Qua đó, chúng tôi đã lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp cũng như của công ty tư vấn. Một số kiến nghị tập trung vào: Khuyến khích khôi phục sớm niềm tin vào thị trường; tháo gỡ khó khăn trong thanh khoản và tín dụng của doanh nghiệp từ các tổ chức tín dụng; hoàn thiện khung pháp lý như tôi đề cập ở trên. Ba kiến nghị đó được tập trung rất cao, hầu hết doanh nghiệp nào phát biểu cũng kiến nghị như thế.
Sau đó chúng tôi đã triển khai một văn bản gửi tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và có yêu cầu: Các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn khi thanh toán gốc, lãi trái phiếu thì cần có phương án thỏa thuận với các nhà đầu tư. Chủ động việc đó giống như chủ động ra thị trường để phát hành, và trách nhiệm phải thực hiện bằng mọi cách, bằng mọi giá, hết khả năng của mình.
Doanh nghiệp phải tuân thủ chế độ công bố thông tin theo quy định. Chủ động cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư. Chúng tôi khuyến nghị, yêu cầu các doanh nghiệp phải thuê các công ty tư vấn, trong đó có tư vấn về kiểm toán độc lập, tư vấn về xếp hạng tín nhiệm, định giá để xác định giá trị doanh nghiệp, từ đó có được kết quả công bố, công khai với các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư biết được doanh nghiệp đang ở đâu để người ta có phương án.
Nếu doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào như Thủ tướng đã nói trong Hội nghị truyền thông chính sách.
Cùng với các công việc nêu trên, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp khác nữa liên quan đến các cơ quan có liên quan của Chính phủ như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông,…
Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của các nhà đầu tư thì các doanh nghiệp phát hành phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết và để thực hiện điều đó phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa thị trường trái phiếu trở lại vận hành một cách bình thường và nhịp nhàng. Khi đó thì cả quyền lợi của doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư đều được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc, chúng ta có một thị trường tiếp tục ổn định và phát triển an toàn.