Áp lực mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn đè nặng doanh nghiệp bất động sản

Lê Sáng | 09:22 24/11/2022

Các doanh nghiệp bất động sản đang chịu áp lực không nhỏ do việc mua lại trái phiếu và hầu hết là không chủ động mà do bị nhà đầu tư yêu cầu mua lại trước hạn do ngại các thông tin tiêu cực.

Áp lực mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn đè nặng doanh nghiệp bất động sản
Các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải hàng loạt khó khăn chồng chất.

Theo FiinRatings, ngoài những điểm sáng đem lại cho thị trường, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp bất động sản tăng lên đột ngột trong thời gian ngắn cũng đang tạo ra áp lực không nhỏ.

Theo đó, thị trường bất động sản trong 10 tháng đầu năm nay chứng kiến mức thanh khoản thấp đã khiến hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh, làm giảm dòng tiền của các đơn vị này. Trong khi đó, một số doanh nghiệp không chủ động mua lại Trái phiếu doanh nghiệp mà bị nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn do e ngại các thông tin tiêu cực lan truyền.

Trước tình trạng trên, FiinRatings nhận định có thể khả năng thanh toán của các nhà phát triển bất động sản sẽ bị suy giảm, nhất là khi kênh vốn đổ vào ngành bất động sản đã bị thu hẹp đáng kể và bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn so với các năm trước.

Do đó, FiinRatings khuyến cáo nhà đầu tư nên giữ bình tình, tránh bán tháo Trái phiếu doanh nghiệp mà không đánh giá kĩ lưỡng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Về tình hình mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp, theo thống kê của FiinRatings, giá trị mua lại Trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 143,44 nghìn tỷ VNĐ, tăng 41,9% so với cùng kỳ 2021, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn.

mua-lai-tpdn.png

Đáng chú ý, bất động sản và tổ chức tín dụng là 2 lĩnh vực có khối lượng mua lại trái phiếu lớn nhất, đạt 21,1% và 63,6% giá trị mua lại từ đầu năm. Ngành bất động sản đặc biệt chứng kiến hoạt động mua lại đột biến vào tháng 6 - 7, đạt 12,425 nghìn tỷ đồng, tương đương 41% tổng giá trị trong 10 tháng đầu năm 2022.

Trong khi áp lực mua lại trái phiếu trước hạn đang đè nặng các doanh nghiệp, tổ chức phát hành thì hoạt động phát hành mới lại sụt giảm mạnh khiến hoạt động cơ cấu lại nợ của các doanh nghiệp lại càng trở nên khó khăn.

Cụ thể, theo thống kê của FiinRatings, giá trị phát hành Trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm đã giảm mạnh và chỉ đạt hơn 252 nghìn tỷ đồng, giảm gần 63,3% so với cả năm 2021. Trong đó, qua kênh phát hành riêng lẻ đạt 242,4 nghìn tỷ đồng và qua kênh chào bán ra công chúng đạt 9,53 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,7%.

Kênh phát hành Trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ghi nhận 23 đợt chào bán, sụt giảm mạnh so với con số của năm 2021 là 40 đợt. Các doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh chào bán đại chúng bao gồm chủ yếu các tổ chức tín dụng (LienVietPostBank, BIDV, Bắc Á Bank, Sacombank), doanh nghiệp bất động sản (Novaland, Bamboo Capital, TNS Holdings) và công ty chứng khoán (VNDirect).

Theo nhận định của FiinRatings, xu hướng suy giảm cả về số đợt và giá trị phát hành của Trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp diễn cho đến hết năm nay, do thị trường cần thời gian để thích nghi với các quy định chặt chẽ hơn của Nghị định 65, và củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư trước chuỗi sự kiện vi phạm vừa qua.

Trong trung và dài hạn, các chuyên gia đến từ FiinRatings kỳ vọng thị trường sẽ có mức tăng trưởng cao trong năm 2023, chủ yếu do hiệu ứng xuất phát điểm thấp (low-base effect), nhu cầu vốn lớn từ các doanh nghiệp trong ngành Bất động sản và Năng lượng nhằm đáp ứng hoạt động cơ cấu nợ và mở rộng dự án và kỳ vọng vào các giải pháp của Chính phủ trong việc tháo gỡ nguồn cung tín dụng và khôi phục niềm tin trên thị trường tài chính.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Áp lực mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn đè nặng doanh nghiệp bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO