Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, gạo Việt Nam vẫn thất thế trước Thái Lan

Thu Huệ | 14:17 22/09/2022

Từng “đánh mất” thị trường gạo Iraq vào Ấn Độ suốt 2 thập kỷ qua, gạo Việt Nam một lần nữa có khả năng đánh mất vị thế trước Thái Lan, khi Ấn Độ “rút chân” dần khỏi quốc gia Trung Đông này. Gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn lao khi Ấn Độ bắt đầu thu hẹp xuất khẩu gạo.

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, gạo Việt Nam vẫn thất thế trước Thái Lan
Ảnh minh họa.

Thái Lan soán ngôi Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022

Thái Lan vùng lên mạnh mẽ sau lệnh cấm và áp thuế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Việc nối lại quan hệ mua bán gạo đã giúp Thái Lan chiếm lĩnh thị trường gạo Iraq, ngay lập tức soán ngôi Việt Nam về lượng gạo xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022. 

Sản lượng xuất khẩu gạo Thái Lan và Việt Nam (Nguồn: Bangkokpost/USDA)

Về tổng sản lượng xuất khẩu, Ấn Độ có khối lượng xuất khẩu lớn nhất – 10,3 triệu tấn, nhưng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ vị trí thứ ba vào năm 2021, hiện Thái Lan đã soán ngôi Việt Nam, xếp thứ 2 với lượng xuất khẩu 4,08 triệu tấn gạo, tổng giá trị tăng 41,9% lên gần 2  tỷ USD.

Việt Nam xếp thứ ba, chỉ ít hơn Thái Lan 10.000 tấn gạo xuất khẩu. Dự tính cuối năm 2022, Thái Lan sẽ xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo (tăng 33% so với cùng kỳ), trở thành đối thủ đáng gờm, có thể vượt Việt Nam khi quốc gia này biết tận dụng lợi thế để làm chủ thị trường gạo Iraq. 

Việt Nam đã từng là đối tác xuất khẩu gạo duy nhất cho Iraq

Việt Nam và Iraq đã có mối quan hệ khăng khít hỗ trợ lẫn nhau từ giữa thế kỷ XIX. Iraq từng hỗ trợ dầu thô cho Việt Nam trong suốt những năm tháng chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

Khi Iraq gặp khó khăn, lương thực thiếu thốn do bị Mỹ cấm vận vào năm 1995, Việt Nam là quốc gia duy nhất sẵn sàng cho Iraq “mua chịu” gạo. Thời điểm đó cũng là lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thương mại, xuất khẩu gạo ra thế giới. 

Trong suốt gần một thập kỷ, từ 1995 đến 2002, Việt Nam trở thành đối tác bán gạo duy nhất cho Iraq với sản lượng trung bình 1 triệu tấn / năm. 

Sau này, khi thương mại mở cửa, Iraq có nguồn cung đa dạng hơn, Việt Nam buộc phải chia sẻ thị phần gạo tại Iraq cho các quốc gia khác. Ấn Độ và Thái Lan thay nhau chiếm lĩnh thị trường gạo Iraq, đẩy Việt Nam xuống vị trí thứ 2. Trước khi hạn chế xuất khẩu gạo, Ấn Độ đang là nước dẫn đầu, Việt Nam thứ hai, trong khi Thái Lan bị “đá” khỏi quốc gia Trung Đông này từ năm 2013 (do những vi phạm về hợp đồng giữa hai bên). 

Iraq là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu lúa gạo với dân số đứng thứ 36 thế giới (40,6 triệu dân), và đứng thứ 6 về giá trị nhập khẩu gạo (667,5 triệu USD trong năm 2021), theo dữ liệu từ World Top Export. Trong năm 2022, Iraq dự kiến sẽ tăng sản lượng gạo nhập khẩu thêm 13% (tương ứng 1,3 triệu tấn).

Sức hút của thị trường Iraq càng tăng lên khi mới đây, Ấn Độ - nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Iraq trong gần hai thập kỷ - đã thông báo sẽ thắt chặt hoạt động xuất khẩu gạo nhằm ổn định an ninh lương thực trong nước. Số gạo xuất khẩu của Ấn Độ vào năm 2021 cao hơn tổng sản lượng xuất khẩu của 4 nước lớn (Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Mỹ) cộng lại. Dự kiến, sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ giảm đi 5 triệu tấn vào cuối năm 2022. 

Khoảng trống xuất khẩu gạo do Ấn Độ để lại là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, Thái Lan. Tuy nhiên, Thái Lan mới thực sự là nước được hưởng lợi

Iraq đã nối lại nhập khẩu gạo Thái Lan từ tháng 8 năm ngoái và dự kiến sẽ nhập khẩu 400.000 tấn gạo Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2022. Chỉ trong 7 tháng đầu năm, nước này đã bán được 1 triệu tấn gạo cho Iraq. Ngay lập tức, Thái Lan đã vượt Việt Nam và xếp vị trí thứ 2 trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới.

Theo S&P Global, Iraq đã quay lại với gạo Thái Lan do giá gạo nước này đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, liệu giá rẻ có phải là nguyên nhân khiến gạo Thái Lan được ưa chuộng?

Giá gạo Việt Nam gần như luôn cạnh tranh hơn với Thái Lan

Giá gạo Việt Nam thấp hơn đáng kể so với Thái Lan trong suốt 5 năm từ 2016 đến 2020. Lần duy nhất Việt Nam vượt Thái Lan (hơn khoảng 1-6 USD/tấn) là vào cuối năm 2020 do sản lượng trong nước bị suy giảm vì mất mùa. Nhưng hiện tại, gạo Thái Lan đã cao hơn 12% so với gạo Việt.

Nguồn: USDA 

Hiện nay giá gạo của Thái Lan đã vươn lên và cao hơn 12% so với Việt Nam, tại mức 446 USD/tấn – tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi giá gạo của Việt Nam lại ổn định ở mức 385 USD/tấn, theo dữ liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc vào T8/2022.

Bất chấp giá gạo Thái Lan tăng giá, chưa có dấu hiệu cho thấy Iraq sẽ đi tìm nguồn cung mới (theo S&P Global). Theo trang này, có nhiều nguồn tin cho biết mặc dù nhiều nước có giá gạo cạnh tranh hơn Thái Lan nhưng họ không thể đáp ứng đủ yêu cầu về chiều dài hạt tối thiểu là 6,7 mm của Iraq. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, gạo Việt Nam vẫn thất thế trước Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO