AI đang ngày càng đi sâu vào lĩnh vực báo chí

Thu Thủy (t/h) | 06:00 19/06/2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm nên một cuộc cách mạng về công nghệ đối với tất cả các ngành công nghiệp nói chung, trong đó có lĩnh vực báo chí.

AI đang ngày càng đi sâu vào lĩnh vực báo chí

AI (Artificial Intelligence) là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục đích thực hiện các hành vi tự động hóa bắt chước trí thông minh của con người.

Theo khảo sát, giới báo chí thừa nhận rằng AI giúp tiết kiệm thời gian tiến hành các nhiệm vụ như ghi chép, gỡ băng phỏng vấn, chuyển từ file ảnh, âm thanh, video sang dạng văn bản; chuyển các nội dung họp online thành văn bản; bóc tách lời bình hoặc phỏng vấn trong video chuyển thành phụ đề tiếng Việt; tạo giọng đọc audio thay cho người đọc tin tức, cho phép các đọc giả có thể tối ưu quá trình đọc báo bằng việc lựa chọn giọng đọc phù hợp giọng nam hoặc nữa hay theo từng miền Bắc, miền Trung, miền Nam …

Bên cạnh đó, thế mạnh của trí tuệ nhân tạo là xử lý dữ liệu lớn để cho ra các kết quả nhanh chóng, chính xác và toàn diện hơn. Do vậy, dùng trí tuệ nhân tạo sẽ giảm thời gian thao tác, đồng thời giúp phóng viên, biên tập viên khai thác thông tin và biên tập bài viết một cách hiệu quả hơn.

Ví dụ, khi phóng viên cần viết về một đề tài nào đó, trí tuệ nhân tạo có thể “quét” khắp các cơ sở dữ liệu để thu thập các dữ liệu có liên quan và thậm chí có thể gợi ý, đề xuất những hướng xử lý.

Nhiều tòa soạn cũng đã sử dụng AI ở các sản phẩm đồ họa, bài viết longform (phóng sự chuyên sâu, sử dụng đồ hoạ, hình ảnh lớn, ấn tượng với hiệu ứng chuyển động) để tăng tương tác với bạn đọc. Những sản phẩm báo chí với sự hỗ trợ của công nghệ đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn đối với công chúng.

Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật cho biết, hiện đã có rất nhiều tòa soạn đã ứng dụng AI trong hoạt động báo chí tại Việt Nam như: Tự động hóa các khâu sản xuất tin tức (viết tin, tóm tắt tin, đặt tít, chọn từ khóa...); Dùng AI để hiểu độc giả (độc giả là ai? ở đâu? muốn gì?); Dùng AI để sản xuất podcast, video và các sản phẩm đa phương tiện khác.

Được biết, một số tòa soạn ở Việt Nam đã ứng dụng AI khá sớm như: Báo Điện tử VietnamPlus của TTXVN ứng dụng công cụ Wochit vào năm 2016 để sản xuất các video ngắn, tích hợp hệ thống Insider từ năm 2021 để theo dõi hành vi người dùng và tự động gửi bản tin (newsletter) tới độc giả, sử dụng AI để tạo ảnh minh họa, trực quan hóa dữ liệu, sản xuất podcast trên nền tảng loa thông minh…; hay Đài Truyền hình TP.HCM thử nghiệm sử dụng ChatGPT vào đầu năm 2023 để xây dựng kịch bản chương trình phóng sự.

Đầu năm 2022, Báo Nhân Dân bắt đầu sử dụng Chartbeat, không chỉ để đo lường độc giả theo thời gian thực mà còn sử dụng công nghệ dựa trên AI để tự động đề xuất nội dung tương thích cho độc giả mang tính cá nhân hóa.

Hiện, Báo Thanh Niên sử dụng AI hỗ trợ sắp bài tự động trên trang chủ, gợi ý tin liên quan dựa theo hành vi của độc giả. VnExpress sản xuất podcast, tin tổng hợp, lọc bình luận của độc giả, kiểm tra từ khóa trong bài viết.

Cũng theo khảo sát, hiện trên thế giới, nhiều tòa soạn đã sử dụng AI để sản xuất nội dung báo chí nhanh hơn, giảm tải khối lượng công việc cho phóng viên. Trước mắt, phần mềm chatbot ChatGPT đã có thể viết được các tin bài theo cấu trúc kim tự tháp ngược (nhất là tiếng Anh), nhưng các dạng bài phức tạp hơn theo cấu trúc đồng hồ cát thì chưa làm được.

PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp.

Nói về AI và báo chí trong kỷ nguyên số, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ nhiều tác động tích cực và nhấn mạnh vai trò của công nghệ vào lĩnh vực báo chí.

“Chúng ta đã chuyển từ cơ chế người dùng tìm đến tin sang cơ chế tin tức tự tìm đến người dùng. Nếu không có công nghệ thì không thể làm điều này được. Chúng ta chi rất nhiều tiền để phân phối thông tin nhưng làm thế nào để thông tin đến người dùng là chuyện khác”, ông Minh nói và nêu thực tế công nghệ đang là vua, nội dung là nữ hoàng.

Nội dung hay là điều luôn cần nhưng để đưa nội dung đến đúng độc giả mục tiêu thì cần phải có công nghệ.

“Làm thế nào để có nội dung hay, công nghệ tốt, tạo bản sắc riêng cho mỗi tờ báo là điều cơ quan báo chí nào cũng đều rất cần”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
AI đang ngày càng đi sâu vào lĩnh vực báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO