Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong năm 2022, mặt hàng dăm gỗ và viên gỗ nén có tỷ trọng xuất khẩu tăng mạnh.
Năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 54,9% so với năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm 16,77% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 5,06 điểm phần trăm so với năm 2021. Tiếp theo là mặt hàng viên nén gỗ đạt 778,5 triệu USD, tăng 83,6% so với năm 2021, tỷ trọng chiếm 4,86%, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2021.
Hiện nay, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế. Trong đó có viên nén được sản xuất từ các phụ phẩm gỗ, đây là mặt hàng được nhiều quốc gia phát triển chọn lựa. Với ý nghĩa bảo vệ môi trường và tái sử dụng các nguồn nguyên liệu thừa tạo nên nhiên liệu mới có ích cho nên thị trường viên nén đang ngày càng được mở rộng, nhất là tại các nước phát triển thuộc EU và Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao. Trong những tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này vẫn tăng trưởng tốt khi tình hình dịch bệnh lắng xuống.
Nhưng tác động của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine khiến nhiều thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ và nhiều quốc gia châu Âu áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế, khiến cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh.
Do đó, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong năm 2022 đạt 9,96 tỷ USD, giảm 0,4% so với năm 2021 (so với mức tăng 16,1% trong năm 2021 so với năm 2020).
Ðến nay, viên nén gỗ đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ.
Tuy nhiên, các khó khăn của kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023, vì vậy hoạt động xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ được dự báo sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.