VinaCapital dự báo Việt Nam sẽ sớm đăng cai Thế vận hội Olympic

Ngọc Ly | 15:26 24/10/2023

Theo VinaCapital, việc đăng cai Thế vận hội Olympic là một cột mốc kinh tế quan trọng vì sự kiện này đánh dấu bước chuyển đổi vị thế của các quốc gia từ “nước chậm phát triển” sang “nước có nền kinh tế phát triển ổn định”.

VinaCapital dự báo Việt Nam sẽ sớm đăng cai Thế vận hội Olympic

Trong báo cáo mới nhất, ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng VinaCapital dự báo rằng Việt Nam đang hướng đến đăng cai Thế vận hội Olympic trong vòng 20 năm nữa.

Chuyên gia VinaCapital cũng cho biết thêm, việc đăng cai Thế vận hội Olympic là một cột mốc kinh tế quan trọng đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia khác vì sự kiện này đánh dấu bước chuyển đổi vị thế của các quốc gia từ “nước chậm phát triển” sang “nước có nền kinh tế phát triển ổn định”.

Có thể nhận thấy sự tương quan giữa các sự kiện kinh tế xảy ra trước các kỳ Thế vận hội do ba quốc gia nêu trên tổ chức so với tiến trình nâng tầm mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra gần đây. Những điểm tương đồng đó là cơ sở để chúng tôi dự đoán rằng Việt Nam đang hướng đến đăng cai Thế vận hội Olympic sau 20 năm nữa”, báo cáo nêu rõ.

Sau Hội nghị Nhà đầu tư của VinaCapital, Ấn Độ đã công bố ý định nộp hồ sơ đăng cai Thế vận hội Olympic vào năm 2036. Điều này củng cố cho dự đoán của rằng Việt Nam cũng có ý định đăng cai Olympic. Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản cũng vừa tuyên bố rằng hai nước sẽ nâng cấp mối quan hệ ngoại giao lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Theo quan điểm của VinaCapital, sự kiện này sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn vào quỹ đạo “friend-shoring” của Mỹ.

vina.png

VinaCapital lạc quan về phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024

Liên quan tới kinh tế Việt Nam, VinaCapital dự báo rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại từ 8% vào năm 2022 xuống còn 4,7% vào năm 2023. Một số nguyên nhân khiến VinaCapital hạ dự báo tăng trưởng GDP bao gồm:

Thứ nhất, xuất khẩu và sản xuất sụt giảm do nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” giảm. Xuất khẩu của Việt Nam giảm gần 10% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023, do xuất khẩu sang Mỹ-thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam giảm gần 20%.

Thứ hai, tăng trưởng tiêu dùng trong nước gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái (không bao gồm chi tiêu của khách du lịch), so với tốc độ tăng trưởng thông thường 8-9% trước COVID. 

Thứ ba, lượng khách du lịch nước ngoài đã phục hồi tới gần 70% so với mức trước COVID trong năm nay. Điều này hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vì du lịch nước ngoài trước đây đã đóng góp khoảng 10% GDP, nhưng hầu như không đóng góp gì cho nền kinh tế Việt Nam trong năm ngoái.

Dù vậy, vị kinh tế trưởng VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,5% trong năm 2024 nhờ phục hồi trong xuất khẩu. Điều này sẽ đi kèm với sự phục hồi sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam từ mức không tăng trưởng năm 2023 lên tăng trưởng 8-9% vào năm 2024 – so với mức tăng trưởng trung bình dài hạn 12% của ngành này trước COVID.

Sự lạc quan của VinaCapital về phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024 nhờ vào sản xuất. Trước đây, các nhà bán lẻ Mỹ và các công ty tiêu dùng khác đã tích lũy quá nhiều hàng hóa vào năm 2022 (hàng tồn kho tăng hơn 20% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022).

Các công ty này đã đặt hàng quá mức trong thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID vào năm 2021 và kỳ vọng bùng nổ chi tiêu sau COVID đã không diễn ra như mong đợi. Thay vì mua nhiều sản phẩm hơn khi lệnh phong tỏa COVID được dỡ bỏ, người tiêu dùng lại đổ tiền vào các dịch vụ như du lịch và ăn uống ở ngoài.

12.png

Do vậy, các công ty ở Mỹ đã phải giải quyết lượng hàng tồn kho này trong suốt năm 2023, mức tồn kho sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm. Đây là yếu tố chính gây sụt giảm xuất khẩu và sản lượng sản xuất của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, rất nhiều dữ liệu cho thấy hiện tượng này sắp kết thúc và các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
VinaCapital dự báo Việt Nam sẽ sớm đăng cai Thế vận hội Olympic
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO