Kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1/2024
Theo báo cáo của Viglacera, công ty này cho biết trước những khó khăn chung của thị trường, Viglacera ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 133%, doanh thu hợp nhất ước đạt 104%, giá trị tồn kho vật liệu xây dựng ước đạt 100% so với kế hoạch điều hành quý 1/2024.
Trước đó, theo kế hoạch Viglacera đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong năm 2024 đạt 1.216 tỉ đồng, doanh thu đạt 13.468 tỉ đồng. Số liệu chính thức sẽ được Viglacera công bố trong báo cáo tài chính quý 1/2024 vào tháng 4 này.
Điểm nhấn đáng chú ý trong kết quả kinh doanh, ngoài mảng chủ lực là vật liệu xây dựng thị trường nội địa, xuất khẩu, bất động sản mang lại doanh thu đáng kể.
Cụ thể, lĩnh vực bất động sản ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hơn so với kế hoạch quý 1/2024 là 48%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu quý 1/2024 đạt tăng 25% so với cùng kỳ. Lĩnh vực gạch ốp lát có mức tăng trưởng cao, đóng góp 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của Viglacera.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera – CTCP cho biết, cần cẩn trọng đánh giá trong quý 2 tới, kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và chưa đạt được tăng trưởng đáng kể. Do đó, các đơn vị kinh doanh thương mại cần tiếp cận thị trường một cách sâu hơn và đánh giá kỹ lưỡng về đối thủ cạnh tranh, nhằm cung cấp thông tin hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định trong xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh.
"Yêu cầu việc đánh giá thị trường và đối thủ cạnh tranh là hết sức cần thiết, không chỉ hiểu rõ nhu cầu của khách hàng mà còn là cơ hội để các đơn vị nhận biết và tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình", ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Viglacera – CTCP nhận định.
Ông cũng chia sẻ quan điểm về việc hợp tác với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để tái cấu trúc, đánh giá lại mô hình kinh doanh và tối ưu hóa hoạt động, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và cạnh tranh của Viglacera.
Định hướng kinh doanh theo hướng “xanh hóa”, thu hút 16 tỉ USD FDI
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cùng ngành còn thua lỗ, khó khăn, việc cơ cấu lại các mảng kinh doanh, thay đổi chiến lược "xanh hóa" giúp Viglacera có được kết quả tích cực. Công ty này đã thu hút thành công những công ty công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, Amkor, Hyosung, Foxconn, BYD, Qisda... Khẳng định uy tín, nâng tầm các khu công nghiệp lên một vị thế mới khi đi đầu trong phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh để thu hút các dự án công nghiệp xanh. Viglacera hiện cũng đang là nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu với 11 khu công nghiệp tại Việt Nam và 1 khu kinh tế tại Cuba.
Mới đây, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên và tại khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, tỉnh Khánh Hòa, khẳng định hướng mở rộng trong lĩnh vực khu công nghiệp của Viglacera.
Đối với mảng bất động sản, các khu công nghiệp của Tổng công ty Viglacera đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp với tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên tới 16 tỉ USD và đạt tỷ lệ lấp đầy nhanh nhất khu vực.
Cụ thể, tập đoàn công nghiệp hàng đầu về công nghệ điện Hitachi Energy đã khánh thành nhà máy biến áp 50 triệu USD tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh). Nhà máy đạt được chứng nhận LEED Gold, là cam kết của Hitachi Energy trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường.
Hàng loạt dự án nhà xưởng thế hệ mới của Tập đoàn Frasers Property Vietnam (FPV) cũng lựa chọn các khu công nghiệp của Viglacera làm cứ điểm. FPV là công ty đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Sáng kiến mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (Science Based Targets initiative – SBTi) công nhận các mục tiêu giảm phát thải nhà kính.
Vừa qua, Viglacera cũng đã cùng BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc và tỉnh Phú Thọ đã có quá trình đàm phán tương đối dài để BYD đầu tư nhà máy sản xuất xe điện tại Việt Nam. Việc thực hiện chính thức phụ thuộc vào chiến lược của BYD cũng như tình hình xe điện. Về phía Viglacera, công ty này cũng dành 100 ha đất thương phẩm sẵn sàng, nếu BYD có nhu cầu.