Việt Nam vừa lập kỷ lục tăng trưởng GDP, mục tiêu vào top 30 nền kinh tế lớn thế giới

Minh Hằng | 12:25 05/05/2025

Thông tin này vừa được Thủ tướng Chính phủ công bố tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Việt Nam vừa lập kỷ lục tăng trưởng GDP, mục tiêu vào top 30 nền kinh tế lớn thế giới
Thủ tướng trình bày Báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP

Sáng nay (5/5), tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025.

Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp và khó lường. Đặc biệt, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, trong đó có Việt Nam, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế. Hơn nữa, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.

Trước việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, theo Thủ tướng, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Cụ thể, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án, đồng thời sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ với tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ".

"Ngày 7/5 sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ", Thủ tướng Chính phủ thông tin.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng

thu-tuong-qh-.jpg
Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP của nước ta trong quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 – 2025. Ảnh: VGP

Giữa bối cảnh nhiều thách thức trên, nền kinh tế của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả ấn tượng trong những tháng đầu năm 2025. Theo báo cáo của Thủ tướng, tăng trưởng GDP của nước ta trong quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số.

Trong 4 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm và tăng trưởng tín dụng tích cực. Hơn nữa, chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Trong 4 tháng qua, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta trong 4 tháng ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD. Bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo.

Đặc biệt, vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Theo Thủ tướng, cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp duy trì đà phát triển. Công nghiệp khởi sắc, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ở mức 2 con số (10,1%); điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được bảo đảm. Thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta tăng gần 10%; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Du lịch là điểm sáng trong những tháng đầu năm nay, khi thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội… Đặc biệt, trong thời gian qua, Việt Nam đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam...

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng, những con số trên cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Nền kinh tế Việt Nam hướng tới mục tiêu 500 tỷ USD

kinh-te-vn-m-.jpg
Việt Nam có thể đứng thứ 30 trên thế giới nếu quy mô của nền kinh tế trong năm 2025 đạt trên 500 tỷ USD. Ảnh: VGP

Báo cáo của Thủ tướng chỉ ra rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô của nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tập trung vào hai trọng tâm chính ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế.

Trong đó, theo thủ tướng, các đơn vị phải theo dõi sát tình hình quốc tế, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, đặc biệt là đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Ngoài ra, cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, đặc biệt là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước trên 15%.

Trên cơ sở đó, Chính phủ điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức 4 -4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, đặc biệt là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí…

Mặt khác, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Đồng thời khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới, nhất là với các quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao, các khu vực tiềm năng.

Về cải cách thể chế, trong năm nay, chỉ tiêu đề ra bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính và giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; đồng thời hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công, đẩy nhanh số hóa, tăng cường tích hợp, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước và hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần "không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để"


(0) Bình luận
Việt Nam vừa lập kỷ lục tăng trưởng GDP, mục tiêu vào top 30 nền kinh tế lớn thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO