Việt Nam đang sở hữu ‘viên ngọc’ đắt giá, có thể đạt 16 tỷ USD; mỗi năm tăng trưởng hai con số

Dy Khoa | 08:51 04/06/2023

Tính đến năm 2021, “viên ngọc” này đã đạt hơn 6,9 tỷ USD. Và đến năm 2025 có thể chạm mốc 16 tỷ USD.

Việt Nam đang sở hữu ‘viên ngọc’ đắt giá, có thể đạt 16 tỷ USD; mỗi năm tăng trưởng hai con số

Theo đó, thị trường dược phẩm Việt Nam đang được định giá khoảng 6,2 - 6,4 tỷ USD/năm, còn theo thống kê của Bộ Y tế, giá trị thị trường năm 2021 đã đạt hơn 6,9 tỷ USD. BMI Research dự báo thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.

Trong khi đó, hồi 2018, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt 5,4 tỷ USD. Theo báo cáo của Chứng khoán Phú Hưng, tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của thị trường dược phẩm Việt Nam là 6,5%.

Trong báo cáo thị trường của ODClick, hệ sinh thái của ngành dược phẩm đã và đang phát triển rõ rệt trong thời gian qua với hơn 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý và hơn 62.000 điểm bán lẻ. Theo ước tính từ năm 2018 đến 2021 ngành dược phẩm Việt Nam đã thu hút thêm hơn 7.000 lao động có trình độ cao tham gia vào hoạt động kinh doanh sản xuất.

Trước đó, bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký - Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, cho biết tính đến năm 2022, Việt Nam có 51 doanh nghiệp dược có vốn đầu tư nước ngoài, 228 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO - GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới - WTO), 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP cao như EU, PICs, JAPAN, TCA.

Con số này cho thấy công nghiệp dược Việt Nam thực sự đã có bước tiến khá dài, bởi năm 2017 chỉ có 2 doanh nghiệp đạt GMP. Các doanh nghiệp chịu khó đầu tư hơn, đạt được các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt; hệ thống phân phối tương đối phát triển, đặc biệt là hệ thống nhà thuốc rộng khắp trên cả nước.

57edfdae-3ec8-4946-930a-fcd6e9bacb20.jpeg
Từ 2016-2020, Việt Nam nhận hơn 1 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ảnh minh họa.

Mặc dù vậy, thị trường dược Việt Nam vẫn đang là “sân chơi” của các doanh nghiệp dược ở nước ngoài. Bà Nguyễn Diệu Hà cho biết, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2021, giá trị sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đạt 46% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân. Tỷ lệ này dù đã tăng cao so với giai đoạn 2001 - 2011 (17%) nhưng vẫn còn thấp so với thế giới.

Ngành dược Việt Nam cơ bản chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc thù, chỉ giải quyết được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường, bệnh mãn tính. Các sản phẩm thuốc của Việt Nam đa số tập trung vào nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn (32,54%); nhóm thuốc hạ nhiệt, giảm đau (15,5%) và nhóm vitamin, khoáng chất (6,55%). Đa số thuốc đặc trị thiết yếu vẫn phải nhập khẩu. Các nhà máy sản xuất dược đạt chuẩn GMP - WHO cũng chủ yếu sản xuất thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược).

Cũng theo bà Hà, năm 2002, bình quân một người dân chi cho 6,7 USD tiền thuốc, đến năm 2021 con số này là 73 USD. Với quy mô dân số 100 triệu (và không dừng lại ở đó), số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 11,9%, con số này hứa hẹn một tốc độ tăng trưởng còn nhanh hơn nữa.

Còn trong báo cáo của KPMG, riêng ngành dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP của Việt Nam năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm có thể lên đến 10% trong thời gian tới.

Con số này bao gồm 350 triệu USD giá trị được tạo ra trực tiếp, cộng thêm 410 triệu USD đóng góp gián tiếp thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau như chi tiêu cho nguyên liệu thô, hoạt động hậu cần, bán hàng và tiếp thị. Khoảng 400 triệu USD còn lại được ghi nhận thông qua các chi tiêu của người lao động trong ngành này.

Từ năm 2016 đến 2020, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 1 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực Khoa học và chăm sóc sức khỏe, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép lên đến 60%.

Ngành dược phẩm Việt Nam có thể đạt 63,8 tỷ USD

Theo KPMG, trong tương lai, các điều kiện kinh tế vĩ mô và việc gia tăng chi tiêu khả dụng sẽ đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng hàng năm cao đến năm 2045. Nếu thị trường Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này, tổng giá trị ngành dược có thể đạt từ 63,8 tỷ USD trở lên vào năm 2045.

KPMG cũng nhận định bước qua đại dịch, trong bối cảnh môi trường kinh doanh ổn định, ngành dược phẩm phát minh được kỳ vọng sẽ hồi phục lại mức tăng trưởng 10% – 12% trước dịch. Theo đó, giá trị thị trường dự kiến sẽ đạt mức 14,0 – 21,6 tỷ USD trong năm 2045, tăng từ mức 1,4 tỷ USD năm 2021.

“Tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, ngành công nghiệp dược phẩm có tiềm năng tăng trưởng ở mức 15% – 20% một năm và đạt được tổng giá trị 40,8 – 113,3 tỷ USD vào năm 2045, tương ứng với mức tốc độ tăng trưởng gấp ba lần so với mức đạt được trong kịch bản kinh doanh ổn định”, báo cáo của KPMG nhận định trong bối cảnh lạc quan.

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực. Với mức tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất dược phẩm nội địa, Việt Nam cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm.

d4ad0bce-afa4-4c84-a371-239d476a5d27.jpeg
Trong bối cảnh lạc quan, ngành dược phẩm Việt Nam có thể đạt 113,3 tỷ USD vào năm 2045. Ảnh minh họa. 

Các thị trường xuất khẩu lớn sẽ là các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar và các quốc gia khác trong khối ASEAN.

Chính phủ Việt Nam đã xác định ngành dược phẩm là ngành công nghiệp chủ chốt trong việc phát triển kinh tế và tạo ra phúc lợi cho người dân trong tương lai.

Các mục tiêu chính bao gồm: Đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.

Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020. Đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.


(0) Bình luận
Việt Nam đang sở hữu ‘viên ngọc’ đắt giá, có thể đạt 16 tỷ USD; mỗi năm tăng trưởng hai con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO