Bức tranh vĩ mô tươi sáng
Kể từ đầu năm 2022, Việt Nam đã có một khởi đầu rất sáng sủa. Minh chứng là GDP Quý 1 tăng vững vàng ở mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Người ta thường nói “Đầu xuôi đuôi lọt”, tôi vững tin rằng kết quả khả quan này sẽ là bước khởi đầu cho một năm tốt đẹp cho Việt Nam.
Số liệu cho thấy đất nước này đang trên đà phục hồi, chuyển từ trạng thái cầm cự trong 2 năm “xé nháp” vì đại dịch sang trạng thái tăng trưởng vượt bậc. Mới đây, ngày 26/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". Họ nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam khi đánh giá nền kinh tế trên đà phục hồi trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ hạn chế di chuyển trong và ngoài nước, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát Covid-19. Việt Nam là một trong 2 nước ở châu Á – Thái Bình Dương được S&P nâng bậc tín nhiệm từ đầu năm đến nay.
HSBC cũng chia sẻ quan điểm tích cực về triển vọng của Việt Nam với mức dự báo tăng trưởng ở mức 6,2% cho năm 2022.
Việt Nam đang vươn lên trở thành đầu mối sản xuất của không chỉ châu Á mà còn vươn tầm thế giới. Thế mạnh của quốc gia này là nguồn cung ứng lao động dồi dào, nhân công có tay nghề đủ đảm bảo sản lượng lớn chất lượng cao với chi phí nhân công và sản xuất thấp.
Thêm nữa, Việt Nam cũng vô tình hưởng lợi khi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã khiến nỗi lo ngại gián đoạn bao trùm lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta đã chứng kiến một loạt thương hiệu lớn tích cực rót thêm vốn đầu tư vào cơ sở sản xuất tại Việt Nam như Nike, Adidas, Foxconn, Pegatron, Lego… Kết quả là sản lượng sản xuất của Việt Nam trong Quý 1 đã tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Vậy là “đặc sản” kẹt xe đã trở lại, những ồn áo náo nhiệt đã trở lại và quan trọng hơn là Việt Nam đã trở lại. Tương lai phía trước rất sáng lạn dù còn nhiều thách thức đang diễn ra trên thế giới.
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.
Một trong những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu chính là các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) Việt Nam đã ký trong những năm qua. Việt Nam hiện tham gia khoảng 16 FTA với nhiều khu vực kinh tế trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu phát triển.
Các yếu tố nêu trên cộng thêm sự ổn định về kinh tế vĩ mô, sự phát triển của tiềm năng tiêu dùng trong nước, nỗ lực cải cách của Chính phủ cùng những điều kiện thuận lợi khác đã giúp củng cố vị thế “điểm đến FDI ưa chuộng” của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Ngành tài chính vững vàng qua đại dịch
Bất chấp một số thách thức đến từ môi trường bên ngoài và tại Việt Nam, thị trường tài chính Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực một phần nhờ ổn định kinh tế vĩ mô. Ngay trong những ngày đầu của năm 2022, Quốc hội Việt Nam đã có kỳ họp bất thường, một trong những nội dung được đưa ra thảo luận là về chính sách tài khoá, tiền tệ của năm 2022-2023, cho thấy nỗ lực, sự chủ động của Việt Nam trong phục hồi kinh tế hậu Covid. Ngày 30/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Với quy mô 350.000 tỷ đồng, đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, tương đương khoảng khoảng 4% GDP.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các định chế tài chính được tăng cường trong những năm qua, nâng cao khả năng thích ứng, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số và tiết giảm chi phí, gia cố phòng chống rủi ro… Kết quả thể hiện rõ trong báo cáo tài chính của các đơn vị trong ngành này. Các ngân hàng của Việt Nam từng gặp vấn đề với nợ xấu nhưng nhờ tăng trưởng và khả năng sinh lời mạnh mẽ, cân đối tài chính của họ đã tốt hơn so với một thập kỷ trước đây. Tỷ lệ nợ xấu bình quân trong tổng dư nợ của Việt nam hiện đang ở mức khoảng 1,7%, đã giảm từ mức 5% của năm 2012.
Năm 2021, chỉ số VN-Index tăng 35,7%, thanh khoản thị trường tăng 253%, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP của Việt Nam. Trên thực tế, thị trường Việt Nam có mức độ thanh khoản cao thứ 2 trong khu vực ASEAN, giờ đây còn vượt qua cả Singapore và Indonesia, chỉ sau Thái Lan. Lợi nhuận từ cổ phiếu đã duy trì tích cực ở Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 10% trong vòng mười năm qua. Việt Nam là một trong số ít thị trường trên thế giới có mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020 khi Covid-19 xuất hiện. Khi đại dịch lắng xuống, tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 đã tăng cao lên 35% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam cũng đứng trước cơ hội được xếp chung vào các chỉ số dành cho Thị trường Mới nổi (Emerging Market – EM), nâng hạng từ vị trí Thị trường Cận biên (Frontier Market). Những nỗ lực của cơ quan quản lý đã giúp nước này được FTSE đưa vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên EM, dự kiến vào tháng 9/2022. Việt Nam vẫn chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét tuy nhiên chúng ta có thể hy vọng điều đó sẽ sớm xảy ra trong năm 2023 hoặc 2024.
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.
Làm sao để duy trì đà thắng lợi?
Việt Nam sẽ cần duy trì những thế mạnh ở tầm vĩ mô để tiếp tục thu hút FDI, phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong bối cảnh lạm phát trở thành từ khóa “hot” trên toàn thế giới, điều may mắn là lạm phát của Việt Nam về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, hiện ở mức thấp nhất trong khối ASEAN. Trong tháng 5, lạm phát chính chỉ tăng 0,38% so với tháng trước, tương ứng với mức tăng trưởng khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái là 2,86%. Do nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tăng, chúng tôi điều chỉnh dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng 3,7% vào năm 2022, vẫn duy trì dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý sẽ cần tiếp tục lưu ý một số rủi ro trong ngành ngân hàng như nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tội phạm tài chính, bảo mật… để ổn định và lành mạnh hóa thị trường. Hai xu hướng quan trọng cũng cần được quan tâm, đầu tư thích đáng là số hóa và tài chính xanh nhằm thúc đẩy nền kinh tế, giúp Việt Nam khai thác hết được tiềm năng cũng như theo kịp dòng chảy trên thế giới.