Sáng 20/4, Báo Người lao động tổ chức buổi tọa đàm “Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật”, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia và cả người tiêu dùng.
Theo đó, nạn tín dụng đen đã và đang hoành hành nhiều nhất tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước. Nơi đây là địa điểm có nhiều người lao động cần có nguồn vốn tiêu dùng, vì vậy nhiều công nhân, người lao động trở thành nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất cao. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, công nhân thành con nợ không có khả năng thanh toán và phải bỏ việc do bị đòi nợ, khủng bố.
Về lãi suất cho vay đối với đối tượng là người lao động, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu: “Nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân hiện nay rất lớn do người lao động phần lớn gặp khó khăn. Do đó, đề xuất các tổ chức tín dụng có khảo sát các đối tượng công nhân và thiết kế lãi suất phù hợp hơn. Hiện nay, công nhân lao động thu nhập thấp đang phải trả lãi suất cao, dẫn đến nhiều người chưa thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng”.
Trước hết, người đi vay tín dụng tiêu dùng cần phải biết rõ công ty tài chính, ngân hàng cho mình vay, cần tìm hiểu những quy định và có hợp đồng cụ thể. Bên cho vay có nghĩa vụ cung cấp dự thảo vay cho người vay nghiên cứu, nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo.
Người đi vay cần quan tâm lãi suất và phương thức tính lãi suất của đơn vị cho vay, các khoản phí cụ thể. Đặc biệt, còn phải xem phương thức đốc thúc, thu hồi và xử lý nợ.
Mặc khác về vấn đề nhận dạng đơn vị cho vay, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Văn Đức - Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm cho biết: “Có không ít người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, tài chính công nghệ (fintech) được cấp phép, đâu là tín dụng đen”.
Do đó, khi khách hàng tìm đến các công ty tài chính để vay tiêu dùng, điều đầu tiên khách hàng nên kiểm tra thông tin về các tổ chức tín dụng cho vay, gói vay có đúng luật không để nhận diện đâu là công ty tài chính chính thức, đâu là công ty tài chính trá hình.
Về khuyến cáo người vay làm sao hạn chế tín dụng đen, ở góc độ luật sư, Luật sư Phạm Văn Đức cho rằng: “Đầu tiên khách hàng vay cần phải tìm hiểu thông tin đối với công ty tài chính cho vay của mình là công ty nào, có được phép hoạt động hay không. Luật quy định hợp đồng vay là hợp đồng bằng văn bản, trong hợp đồng thể hiện rõ lãi suất, phương thức xử lý nợ... Công ty núp bóng trá hình đều né quy định, không ký hợp đồng chính thức”.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thị Hoà cũng khuyến nghị, người đi vay tín dụng tiêu dùng cần phải biết rõ công ty tài chính, ngân hàng cho mình vay, cần tìm hiểu những quy định và có hợp đồng cụ thể. Bên cho vay có nghĩa vụ cung cấp dự thảo vay cho người vay nghiên cứu, nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo.
Ngoài ra, người đi vay phải quan tâm đến phương thức tính lãi suất và các khoản phí cụ thể cũng như cách thu hồi nợ của đơn vị cho vay. Bởi lẽ, theo quy định, lãi suất cho vay tiêu dùng tối đa là 20%/năm nhưng sau khi cộng thêm các loại phí có thể lên đến 60%-70%/năm thì bên đi vay có quyền yêu cầu được giải thích rõ ràng. Với việc thu hồi nợ, nếu bên cho vay đốc thúc thu hồi nợ không đúng quy định, vi phạm pháp luật, người đi vay có thể trình báo các cơ quan có thẩm quyền là Ngân hàng nhà nước chi nhánh địa phương, cơ quan công an.
Về giải pháp, nhiều chuyên gia đề xuất đối với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cần có các gói tín dụng kịp thời để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân; các đơn vị, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh phòng ngừa và xử lý nghiêm tín dụng đen.