Năm 2022 vừa qua, có 10 ngân hàng đã đạt mức lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ là Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, Agribank, VPBank, VietinBank, ACB, VIB và HDBank.
Bám sát Top10, SHB cũng đã tiệm cận mức lợi nhuận “vạn tỷ” khi tăng 55%, đạt kỷ lục 9.689 tỷ đồng. Với kết quả trên, SHB là một trong những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất hệ thống và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,7%, thuộc Top đầu các NHTM hiệu quả nhất Việt Nam.
Trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng dự báo sẽ chậm lại so với mức nền cao năm 2022 trước những áp lực đối với biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản trong trung hạn, trong bối cảnh lãi suất tăng, thị trường vốn và bất động sản thắt chặt hơn.
Kết quả điều tra điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) được NHNN công bố mới đây cho thấy, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 cải thiện chậm so với quý trước. Các TCTD đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.
Đánh giá triển vọng cả năm 2023, có 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Thực tế, trong kế hoạch kinh doanh năm nay hầu hết các ngân hàng đều đưa ra con số lợi nhuận mục tiêu khá thận trọng.
Theo đó, ba ngân hàng quốc doanh đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10 – 15%. Các ngân hàng tư nhân lớn như ACB, MB, VPBank và SHB cũng đặt mục tiêu từ 10 - 17% tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 dù năm trước có thể đạt mức 30 - 40%. Thậm chí, Techcombank dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 giảm 14%.
Với SHB, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm nay với 2 phương án kinh doanh tương ứng với 2 hai kịch bản hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, phương án 1 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 6,15% lên 10.285 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 8,93% đạt 600.106 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 12,05% đạt 456.180 tỷ đồng.
Phương án 2 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,67%, lên 10.626 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 10,09% đạt 606.500 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 14,78% lên 467.291 tỷ đồng.
Như vậy, cả hai phương án kinh doanh của SHB đều đặt mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại cuộc họp, Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết, trong quý I, lợi nhuận trước thuế ngân hàng ước tính đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ 2022 và mức lãi kỷ lục của quý đầu năm trong lịch sử SHB,.
Với kết quả trên, SHB đã thực hiện được khoảng 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm theo chỉ tiêu trình ĐHĐCĐ, một tỷ lệ lấp đầy khả quan trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn vẫn còn nhiều khó khăn.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra cho năm 2023, ban lãnh đạo SHB cho biết sẽ tiếp tục bám sát 4 trụ cột có tính định hướng cho chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện giai đoạn 2022-2027, gồm: Đổi mới thể chế và cơ chế; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Con người là chủ thể; Nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và chuyển đổi số.
Năm 2023 cũng là năm đánh dấu cột mốc quan trọng khi SHB chính thức kỷ niệm 30 năm thành lập, đồng hành phát triển cùng đất nước. Với bề dày hoạt động, tiềm lực nội tại mạnh mẽ cùng đội ngũ ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên quyết tâm, đầy nhiệt huyết, sáng tạo và linh hoạt thích ứng hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm bứt phá, chuyển mình mạnh mẽ, hiện thực hóa những khát vọng lớn của người SHB, mang lại nhiều hơn nữa các giá trị cho khách hàng, cổ đông, cộng đồng, đóng góp vào sự phồn thịnh và phát triển của đất nước.