Tung ra hàng nghìn lệnh trừng phạt nhưng phương Tây vẫn loay hoay với một mặt hàng Nga ‘nắm thóp’: EU như đang đi trên dây vì nguy cơ lợi bất cập hại

Anh Dũng | 10:25 19/10/2024

Nếu châu Âu quyết định cấm nhập khẩu kim loại này từ Nga, họ sẽ cần tìm nguồn cung mới cho 500.000 tấn vật liệu mỗi năm. Nhưng danh sách các lựa chọn thay thế khá hạn chế.

Tung ra hàng nghìn lệnh trừng phạt nhưng phương Tây vẫn loay hoay với một mặt hàng Nga ‘nắm thóp’: EU như đang đi trên dây vì nguy cơ lợi bất cập hại

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, phương Tây đã tăng cường trừng phạt đối với Moscow và nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu của nước này. Nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa nhắm mục tiêu vào một mặt hàng xuất khẩu chính của Nga đó là nhôm.

Trong suốt thời gian qua, kim loại nhẹ màu trắng bạc này đã trở thành mục tiêu tiềm năng cho các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow.

Trong khi một nhóm nhỏ các quốc gia EU tiếp tục thúc đẩy các biện pháp cứng rắn hơn đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu nhôm, thì các nền kinh tế lớn hơn của EU đang ngăn chặn động thái này.

Các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu nhôm của Nga có thể gây ra mối đe doạ với các ngành công nghiệp của phương Tây, vốn đang mất dần khả năng cạnh tranh với châu Á. Hơn nữa, một động thái như vậy có thể làm suy yếu nghiêm trọng cam kết của châu Âu trong việc đạt các mục tiêu khí hậu.

Những lo ngại dai dẳng về lệnh cấm xuất khẩu nhôm carbon thấp từ Nga sang thị trường châu Âu đã đẩy giá nhôm tăng 15% trong năm 2024. Giá sẽ còn tăng mạnh hơn nữa nếu lệnh cấm thực sự được áp dụng.

Vai trò chiến lược của nhôm tại châu Âu và tác động của lệnh trừng phạt

Hơn 90% nhu cầu nhôm của EU phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trong đó 8-9% đến từ Nga. Nhôm đóng vai trò quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp chiến lược, từ ô tô, hàng không vũ trụ đến xây dựng và năng lượng tái tạo.

Mặc dù một số quốc gia tuyên bố đã ngừng mua nhôm từ Nga, nhưng kim loại này vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nhôm carbon thấp của châu Âu.

Một lợi thế đáng kể của nhôm Nga là lượng khí thải carbon thấp vì chúng được sản xuất bằng thủy điện. Điều này đồng nghĩa sản lượng 1 tấn nhôm ở Nga thải ra khoảng 2,1 tấn CO2, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 15 tấn.

Nếu châu Âu muốn thay thế nhôm nhập khẩu từ Nga, có khả năng họ sẽ phải tăng cường mua từ các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia. Nhôm tại đây chủ yếu được sản xuất từ than. Và điều này có thể đẩy lùi các mục tiêu khí hậu của EU khi sử dụng các kim loại ít thân thiện với môi trường.

Các sáng kiến ​​của EU, chẳng hạn như Thoả thuận Xanh (Green Deal) và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), được thiết lập tính thuế các mặt hàng nhập khẩu có hàm lượng carbon cao bắt đầu từ năm 2026.

Điều này đặt ra một lựa chọn khó khăn cho EU: Nếu EU trừng phạt nhôm có hàm lượng carbon thấp, châu Âu có thể buộc phải dựa vào các giải pháp phát thải cao hơn. Cuối cùng, họ có thể làm tăng hàm lượng carbon trong nhôm nhập khẩu lên tới 14%.

Lệnh cấm nhập khẩu tiềm tàng đối với nhôm của Nga không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế mà còn đẩy giá kim loại lên cao như giai đoạn đầu năm 2022. Khi đó, lo ngại về sự gián đoạn thương mại sắp xảy ra giữa Nga và châu Âu đã khiến giá nhôm tăng đột biến trong thời gian ngắn là 33%.

Mặc dù tác động thực tế của các lệnh trừng phạt hóa ra không nghiêm trọng như lo ngại ban đầu, nhưng giá đã tăng trở lại vào năm 2024, trong bối cảnh các cuộc thảo luận mới về lệnh cấm nhôm của Nga có thể xảy ra và các lệnh trừng phạt tiếp theo có thể đẩy nhanh xu hướng này.

Giá nhôm tăng đột biến sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu, nơi sử dụng hơn 90% lực lượng lao động cho ngành nhôm.

Tình trạng thiếu hụt đột ngột nhôm carbon thấp giá cả phải chăng có thể lan rộng sang các ngành công nghiệp phụ thuộc vào kim loại này, từ xây dựng đến đóng gói. Ngoài ra, giá nhôm phế liệu, một thành phần quan trọng trong nỗ lực tái chế của châu Âu, có khả năng sẽ tăng vì chúng liên quan đến chi phí của nhôm nguyên chất.

Ai sẽ được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt đối với nhôm và các giải pháp thay thế là gì?

Nếu EU cấm nhập khẩu nhôm carbon thấp của Nga, Trung Quốc có thể sẽ là một trong những bên hưởng hưởng lợi. Nga đã tăng đáng kể lượng nhôm xuất khẩu sang Trung Quốc, nơi cũng có nhu cầu ngày càng tăng về nhôm carbon thấp.

Nếu cánh cửa châu Âu đóng lại, Nga sẽ buộc phải chuyển hướng nguồn cung về phía đông. Kết quả là, người tiêu dùng châu Âu sẽ mất quyền tiếp cận nhôm có hàm lượng carbon thấp, giá rẻ. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ hàng nhập khẩu của Nga và giành được nhiều quyền lực hơn đối với thị trường nhôm.

Nếu châu Âu quyết định cấm nhập khẩu nhôm từ Nga, họ sẽ cần tìm một nguồn có khả năng thay thế khoảng 500.000 tấn vật liệu mỗi năm. Và danh sách các lựa chọn thay thế khá hạn chế.

Iceland, Mozambique và Na Uy thường được coi là những nhà cung cấp tiềm năng, nhưng mỗi nơi đều có những thách thức riêng. Ví dụ, nhôm từ Mozambique gần đây đã gặp khó khăn trong việc vận chuyển, trong khi năng lực sản xuất của Na Uy đã giảm trong những năm gần đây.

Một lựa chọn khác có thể là nhập nhôm từ Trung Đông. Tuy nhiên, với phần lớn nguồn cung đã được chuyển đến Mỹ, bất kỳ nhu cầu nào đến từ EU sẽ chỉ khiến thị trường siết chặt hơn nữa.

Lựa chọn của EU

EU giống như đang “đi trên dây” giữa nhu cầu gia tăng lệnh trừng phạt Nga và mục tiêu về khí hậu, duy trì nền kinh tế cũng như sức khoẻ của các doanh nghiệp trong nước.

Khi EU cân nhắc gói trừng phạt tiếp theo, các nhà hoạch định sẽ phải nghĩ đến những tác động rộng lớn từ quyết định của họ.

Trong thời điểm lạm phát toàn cầu cao, bất ổn kinh tế và tính cấp thiết của các mục tiêu khí hậu, EU sẽ cần cân nhắc cẩn thận chi phí và lợi ích của bất kỳ hành động nào được đề xuất, bao gồm cả lệnh cấm nhôm carbon thấp từ Nga.

Theo Euro News

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tung ra hàng nghìn lệnh trừng phạt nhưng phương Tây vẫn loay hoay với một mặt hàng Nga ‘nắm thóp’: EU như đang đi trên dây vì nguy cơ lợi bất cập hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO