TS. Nguyễn Xuân Thủy: Các "ông chủ" cao tốc thu phí người dân ngày một tăng, nhưng luôn than thiếu nọ, thiếu kia rồi đổ lỗi do cơ chế, chính sách

Đinh Tịnh – Tuấn Việt (thực hiện) | 09:12 16/07/2024

“Khi tham gia giao thông trên cao tốc, người lái xe phải xác định đây là một loại giao thông hết sức phức tạp, đòi hỏi sự tập trung về thần kinh, kỹ năng điều khiển phương tiện rất cao, chứ không phải là một cuộc "dạo chơi" và chủ quan khi thấy đường vắng. Vì thế, đây là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào dù chỉ một sơ xuất nhỏ. Nên nhớ, các tai nạn trên cao tốc sẽ là rất thảm khốc, đau xót”.

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Các "ông chủ" cao tốc thu phí người dân ngày một tăng, nhưng luôn than thiếu nọ, thiếu kia rồi đổ lỗi do cơ chế, chính sách
TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT khi trao đổi với Tạp chí Nhịp sống thị trường (MarketTimes).

Tai nạn trên cao tốc, người điều khiển phương tiện chịu trách nhiệm đầu tiên

MarketTimes: Thưa ông, vụ tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới đây, cho thấy nhiều vấn đề. Đầu tiên, đó là ý thức người điều khiển phương tiện tắc trách, chủ quan. Ông có đánh giá gì nhận định này?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Theo quy định, đường cao tốc là đường cho phép xe chạy tốc độ cao. Đặc biệt, với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, được mệnh danh là tuyến cao tốc hiện đại nhất hiện nay còn cho phép xe chạy tới 120 km/h. Trước đây, tuyến cao tốc Tp. HCM - Trung Lương cũng đề xuất chạy 120 km/h, nhưng sau đó thấy chưa đủ an toàn, chủ đầu tư đã đề xuất với Bộ GTVT chỉ cho xe chạy 100km/h.

Với tốc độ cao như vậy, đương nhiên, hệ thống đường cao tốc hiện tại đã và đang được trang bị đầy đủ và hiện đại. Tuy nhiên, khi lưu thông trên cao tốc, vấn đề chủ thể tham gia giao thông và  ý thức của người điều khiển phương tiện là yếu tố quyết định.

Tôi cho rằng, có 3 ba yếu tố tiên quyết để đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc là: hạ tầng, chất lượng phương tiện và kỹ năng của người điều khiển phương tiện.

Trong đó, quan trọng nhất là kỹ năng của người lái, là sự tổng hòa của hiểu biết về an toàn giao thông, điều khiển cự ly phương tiện, tốc độ, xử lý tình huống...

Đừng nghĩ đường thoáng, chạy tốc độ cao, tạo ra nhiều sự khoái cảm và coi đó là một cuộc "dạo chơi". Điều này rất nguy hiểm. Chay tốc độ cao, thì chỉ một sai sót nhỏ, không tỉnh táo, hoặc xử lý tình huống không nhuyễn sẽ dẫn đến tai nạn thảm khốc.

Trở lại hai vụ tai nạn vừa qua trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến nhiều người thương vong. Sự chủ quan, không tỉnh táo trong giữ cự ly khoảng cách dẫn đã đến tai nạn.

Người lái xe đừng nghĩ phương tiện tốt, đã có bằng lái là “yên tâm”, chỉ thiếu việc không đặt biển báo hay tín hiệu, chỉ thiếu việc giữ cự ly khoảng cách an toàn 100 hay 200m, sinh mạng con người đã bị tước đi. Hậu quả khôn cùng còn để lại.

MarketTimes: Như vậy, ông cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về ý thức của người tham giao giao thông?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Đúng vậy, có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi trách nhiệm lớn nhất chính là ý thức của người tham gia giao thông.

Tôi khẳng định, lái xe trên cao tốc căng thẳng hơn nhiều loại hình giao thông khác. Vì thế, ý thức lái xe chủ quan, trang bị kiến thức mơ hồ, không nắm vững luật giao thông, tất yếu dẫn đến tai nạn. Mà tai nạn trên cao tốc thường rất thảm khốc.

Tôi ví dụ, khoảng cách các phương tiện trên quốc lộ một hai trăm mét là cự ly an toàn. Nhưng với cao tốc không là cái gì cả. Cứ nghĩ đường rộng là ngon lành, người đi như "trên mây trên gió", khi gặp sự cố cần phải xử lý nhạy bén, nhanh chóng tức thì, lại thiếu và yếu. Vậy sẽ đổ lỗi cho ai khi chính mình mới là chủ thể của vấn đề?

Chúng ta đã thấy những vụ tai nạn hàng trăm xe đâm nhau trên đường cao tốc tại Đức, tại Pháp hay Mỹ. Ở Việt Nam tuy chưa xảy ra những vụ tai nạn như vậy, nhưng phải cảnh báo về ý thức kém khi tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc, đây không còn là hồi chuông cảnh báo nữa, mà phải là báo động đỏ".

TS. Nguyễn Xuân Thủy

Chủ đầu tư thu phí của người dân đi cao tốc, nhưng luôn than thiếu nọ, thiếu kia rồi đổ lỗi do cơ chế, chính sách

MarketTimes: Có ý kiến cho rằng, hiện nay hệ thống camera giám sát tốc độ thiếu và yếu, cùng đó, nhân lực về cứu hộ cứu nạn, y tế, phòng cháy chữa cháy, thời gian ứng cứu trên cao tốc chưa kịp thời.., ông đánh giá sao về vấn đề này?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Đây là nhóm vấn đề tôi đã từng tìm hiểu và phản biện. Các "ông chủ" quản lý đường cao tốc luôn kêu than thiếu nọ thiếu kia, rồi đổ lỗi do cơ chế chính sách này nọ. Nhưng họ không thể phủ nhận một thực tế là đang thu phí của người dân và số tiền thu được hiển hiện ngày một tăng thêm.

Có thể kể đến cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ, thiết kế kỹ thuật đáp ứng 40.000 – 50.000 lượt xe/ngày nhưng thực tế lượng xe hàng ngày vượt xa con số đó. Theo tính toán, dòng xe trên đường cao tốc mỗi năm tăng thêm 10-15% vậy thì nguồn kinh phí thu được tại sao không để giải quyết những vấn đề nêu trên?

Các ông chủ đã quá chú ý đến lợi nhuận mà quên đi yêu cầu của người dân, nhất là các công tác đảm bảo an toàn trên cao tốc.

Đúng là họ đã cố gắng quản lý đường cao tốc tốt hơn nhưng chưa hết trách nhiệm của mình. Camera hỏng thì thay, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đủ quyền để đẩy quá trình lên nhanh hơn so với hiện tại.

Hay công tác cứu nạn trên tuyến, thêm tiền thuê thêm người tuần tra kiểm soát. Lực lượng y tế cũng vậy, báo cáo Bộ Tài chính cho cơ chế đặc thù để tăng thêm kinh phí. Người ta có kinh phí, bồi dưỡng, đảm bảo chế độ lao động, thì không có chuyện 30 phút hay một tiếng mới có mặt ở hiện trường ứng cứu. Tai nạn xảy ra, thời gian là vàng. Chỉ vì viện lý do nọ kia thì rõ ràng đang coi thường sinh mạng của người bị nạn.

Ở đây, nên xử dụng đồng tiền thu được vào những mục tiêu tốt hơn. Trong đó mục tiêu hàng đầu là an toàn cho người tham gia giao thông chứ không phải thu đồng tiền để dùng vào các kinh doanh hay đầu tư khác.

Tôi cho rằng, các đơn vị quản lý, Bộ, ngành, các "ông chủ" cao tốc cần sớm đồng bộ nâng cấp chất lượng hệ thống giám sát, quản lý cao tốc. Cần có những chiến lược, chính sách, cơ chế cụ thể... tránh những tai nạn tương tự xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Khởi tố vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Ngày 15/7, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Gia Lộc (Công an Hải Dương) đã ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, xảy ra tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Việc công an khởi tố vụ án để điều tra toàn diện vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào sáng 11/7, làm 2 người chết, 10 người bị thương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Các "ông chủ" cao tốc thu phí người dân ngày một tăng, nhưng luôn than thiếu nọ, thiếu kia rồi đổ lỗi do cơ chế, chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO