Cao tốc như 'đường làng', phải dùng camera giám sát 'chạy bằng cơm', lộ lỗ hổng từ cơ quan quản lý

Đinh Tịnh - Tuấn Việt | 08:59 13/07/2024

Hiện nhiều camera trên cao tốc đã hỏng nhưng thủ tục xin tới nửa năm chưa duyệt xong, chủ đầu tư cao tốc muốn sửa phải chờ. Thủ tục nhiêu khê khiến "mắt thần" cao tốc không hoạt động, chủ đầu tư buộc phải sử dụng các camera 'bằng cơm'.

Cao tốc như 'đường làng', phải dùng camera giám sát 'chạy bằng cơm', lộ lỗ hổng từ cơ quan quản lý
Cao tốc như 'đường làng', camera giám sát 'chạy bằng cơm' trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Đi cao tốc mà ý thức như "đường làng"

Đó là chia sẻ của một lãnh đạo quản lý cao tốc khi nói về việc chậm sửa chữa các camera trên cao tốc.

Trở lại vụ tai nạn kiến 8 người thương vong trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ngày 11/7 cho thấy việc cứu hộ, cứu nạn còn chậm trễ, không kịp thời, cùng đó là ý thức tham gia giao thông rất hạn chế.

Theo kết quả xác minh, khoảng 9g ngày 11/7, anh Đặng Quốc Hoàng (SN 1983, quê tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển ô tô mang BKS 38C-195.83 chở theo anh Lê Ngọc Hùng (SN 1958, quê Nghệ An) và anh T.T.A (SN 1990, quê Thanh Hóa) di chuyển trên cao tốc hướng Hà Nội - Hải Phòng.

Ô tô di chuyển tới km49+400, đoạn qua địa phận thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) thì bất ngờ va chạm với ô tô khách mang BKS 15F-006.78 do anh Q.V.L (SN 1989, quê Hòa Bình) điều khiển chở theo 11 hành khách.

Sau va chạm, 2 ô tô dừng trên làn đường số 1, làn đường có tốc độ di chuyển quy định 120km/h. Ngay sau đó, anh Đặng Quốc Hoàng và anh T.T.A (cùng trên ô tô 38C-195.83) xuống xe tranh cãi với tài xế xe khách là Q.V.L ngay trước đầu ô tô khách 15F-006.78.

Thời điểm này, ô tô mang BKS 30K-757.00 do anh Trần Ngọc Thế (SN 1996, quê tỉnh Thái Bình) điều khiển di chuyển cùng chiều đi tới, đâm vào phía sau ô tô khách 15F-006.78, đẩy ô tô này đâm trúng anh T.T.A và Q.V.L dẫn đến cả hai người tử vong tại chỗ.

Va chạm mạnh mạnh này cũng khiến 11 người khác bị thương, được lực lượng chức năng đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Trung tâm y tế huyện Gia Lộc cấp cứu.

Ở đây, vấn đề các kiến thức sơ đẳng về an toàn giao thông khi lái xe trên đường cao tốc của người điều khiển phương tiện còn rất yếu.

Luật giao thông tại Việt Nam quy định rất rõ, khi xảy ra sự cố, nếu không đưa được phương tiện vào được bên lề phải đường thì phải có những tín hiệu về đèn để ít nhất thông báo cho những xe thuộc làn được biết để tránh.

Khi đã dừng đỗ, dù ở làn đường nào, phải giữ nguyên hiện trường, tiếp tục bật đèn cảnh báo và đặc biệt phải đặt biển cảnh báo trước vị trí dừng đỗ ít nhất 100-200m...

Ở vụ việc tai nạn vừa qua, lái xe không ý thức được sự nguy hiểm khi dừng xe để tranh cãi đúng sai ở ngay làn đường quy định tốc độ lên đến 120km/h mà không có bất cứ sự cảnh báo cho các phương tiện giao thông khác.

Ví dụ, ở đường quốc lộ, thì có thể mượn cành cây hay vật chắn nào đó để cảnh báo, trên đường cao tốc, biển cảnh báo là yếu tố sống còn. Nhưng ở vụ tại nạn 8 người thương vong trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, việc thiếu biển cảnh báo là một trong những nguyên nhân xảy ra "tai nạn chồng tai nạn".

Vị lãnh đạo quản lý cao tốc dẫn chứng thêm một ví dụ cụ thể. Đó là cách đây một tháng, trên chính đoạn đường này, một xe bồn xăng đã đâm vào một ô tô. Vụ nổ khiến một lái xe tử vong tại chỗ. Nguyên nhân là sự cố xe buộc phải dừng trên làn đường lưu thông. Và câu chuyện lái xe không thực hiện các quy trình về cảnh báo.

“Ý thức của người điều khiển phương tiện quá chủ quan. Thêm vào đó là những trang bị về an toàn giao thông trên đường sơ sài và thiếu dẫn đến tai nạn thảm khốc. Điều đáng nói là các lái xe có thể tránh hiểm họa này nếu biết thực hiện quy trình an toàn đúng cách”, vị này nhấn mạnh.

"Mắt thần" tê liệt, phải dùng "camera chạy bằng cơm"

Hiện nay, việc giám sát có hiệu quả các vụ tai nạn trên đường cao tốc chính là hệ thống camera của các đơn vị quản lý và khai thác đường cao tốc. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn, là dù được đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng hệ thống cấp thiết ấy không đem lại những hiệu quả như mong đợi.

Ví dụ như cao tốc Hà Nội Hải Phòng - tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, thì  ¼ trên tổng 58 camera giám sát hành trình, 12 camera đo đếm tốc độ tự động xử lý… đã bị hỏng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Pháp Vân - Cầu Giẽ...

Một nguyên tắc tối thiểu là hỏng phải sửa hoặc là thay mới, nhưng chủ đầu tư nhiều lần trình Cục đường bộ Việt Nam và vẫn phải... chờ. Sửa chữa "mắt thần" có khi nửa năm chưa xong với hàng tá thủ tục nhiêu khê. Chủ đầu tư "khóc ròng" vì muốn sửa cũng không được.

“Chủ đầu tư cao tốc lập dự toán, thuê thiết kế, thuê tư vấn rồi đề xuất lên Cục Đường bộ xin được sửa chữa hoặc thay mới, chi phí có nhưng không thể sửa vì vướng rất nhiều thủ tục. Thời gian kéo dài cả nửa năm, trong khi tuyến cao tốc vẫn phải vận hành. Đó là chưa kể đến việc xin những hạng mục sửa chữa khác”, vị lãnh đạo quản lý cao tốc nói.

Theo tìm hiểu, các đơn vị quản lý và khai thác đường cao tốc đã từng đề xuất lên Cục đường bộ Việt Nam cho phép được tự sửa chữa, thay thế các hạng mục cấp bách có kinh phí dưới 500 triệu đồng (có giám sát từ Cục đường bộ, Bộ GTVT). Cục Đường bộ sẽ là đơn vị duyệt và hậu kiểm. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được chấp thuận. Hỏng vẫn cũng phải... chờ.

Không còn cách nào khác, chủ đầu tư cao tốc buộc phải cho các "camera chạy bằng cơm" tuần đường 4 lần trong ngày trên tuyến cao tốc 100km. Dễ hiểu vì sao, khi tai nạn xảy ra, cứu hộ, cứu nạn không thể đến kịp thời trong 30 phút.

Vấn đề đặt ra là: khi tai nạn xảy ra, thời gian luôn là yếu tố tiên quyết để giảm thiểu các hậu quả cho những vụ tai nạn. Vậy bao lâu lực lượng cứu trợ cứu nạn mới có mặt?

Hiện nay, theo ghi nhận từ các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc, khi xảy ra tai nạn, ít nhất 20 - 30 phút, lực lượng tuần đường mới có thể tiếp cận được vụ việc. Nguyên nhân chính vì thiếu "mắt thần" cao tốc.

Ngoài ra, các lực lượng y tế, phòng cháy chữa cháy phục vụ trên cao tốc còn yếu.

Thời gian là sinh mạng. Nhưng thời gian cấp bách trên đường cao tốc không được thực hiện lại đến từ ý chí chủ quan của con người.

Vị lãnh đạo quản lý cao tốc đánh giá: Hiện nay cấp cứu ở nhiều địa phương không đảm bảo cứu trợ trong vòng 30 phút. VIDIFI sẵn sàng ký hợp đồng với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến xã, huyện để rút ngắn thời gian tiếp cận các vụ tai nạn. Nhưng do thiếu thốn về phương tiện, thiết bị, vì thế, lúc cần kíp thì các hoạt động này còn chậm trễ.

Vụ tai nạn thảm khốc kiến 8 người thương vong trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để lại nhiều bài học từ công tác quản lý của Cục đường bộ, Bộ GTVT, sự bất cập trong công tác điều hành, thêm nữa là ý thức của các chủ phương tiện. Tai nạn có thể tránh khỏi nếu biết bổ sung những bài học cấp thiết cần hoàn thiện.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ vi phạm trong vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện 66/CĐ-TTg ngày 11/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Hải Dương.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong; động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn; đồng thời chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Hải Dương và lực lượng Công an đến hiện trường vụ tai nạn để chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi các nạn nhân trong vụ tai nạn.

Để khắc phục hậu quả và ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát đối với xe ô tô tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các vi phạm về phần đường, làn đường, tránh, vượt trái quy định.

Lực lượng Cảnh sát giao thông cùng với đơn vị quản lý đường cao tốc có biện pháp giải quyết kịp thời đối với các trường hợp dừng xe trên đường cao tốc, kể cả dừng xe do sự cố của phương tiện để phòng tránh các các vụ tai nạn tương tự.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương làm rõ các vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên các tuyến cao tốc; chỉ đạo đơn vị quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc có biện pháp ứng phó ngay đối với các trường hợp dừng đỗ xe trên cao tốc nhằm bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra các vụ tai nạn tương tự trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cao tốc như 'đường làng', phải dùng camera giám sát 'chạy bằng cơm', lộ lỗ hổng từ cơ quan quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO