TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vẫn còn những “khoảng trống” của thị trường bất động sản sau Nghị quyết 33/NQ-CP

Lê Sáng | 12:53 15/03/2023

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng bên cạnh những kỳ vọng tích cực mà Nghị quyết 33/NQ-CP sẽ tạo ra thì vẫn còn đó những “khoảng trống” của thị trường bất động sản cần tiếp tục được quan tâm, điều chỉnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vẫn còn những “khoảng trống” của thị trường bất động sản sau Nghị quyết 33/NQ-CP
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng. Ảnh - Int

Nhận định về những tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản mà Nghị quyết 33/NQ-CP mang lại, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, cho rằng Nghị quyết đã đưa ra một định hướng rất tốt để cho thị trường biết rằng, Chính phủ đang rất quan tâm để điều chỉnh tất cả hệ thống tài chính, trong đó hệ thống ngân hàng, có hoạt động tín dụng, để người dân có thể ở mua nhà ở, từ đó khai thông được thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cũng nhận định dù những giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 33 là rất kịp thời và cần thiết nhưng có thể chưa thể chưa có tác động ngay lập tức đến thị trường bất động sản, bởi cần phải một thời gian để thực thi và hấp thụ khi những vấn đề mà Nghị quyết đặt ra chỉ mới là đường hướng, cần thêm thời gian, đo lường bằng sự quyết tâm của nhiều chủ thể tham gia.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra một số “khoảng trống” vẫn còn tồn tại của thị trường bất động sản sau những động thái “gỡ khó” của Chính phủ và các cơ quan chức năng vừa qua.

Đầu tiên, theo TS. Hiếu, với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng không phải là gói hỗ trợ của Chính phủ mà là nguồn vốn kinh doanh của 4 ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay thả nổi và chỉ thấp hơn 1,5%-2%/năm so với lãi suất bình quân của thị trường. Điều này vô tình tạo ra rào cản đối với người xây và mua nhà giá thấp.

Trong khi đó, việc khoanh nợ, giãn nợ thực chất là việc làm thường xuyên của các ngân hàng. Khi doanh nghiệp bất động sản hay bất cứ doanh nghiệp nào gặp khó khăn, ngân hàng luôn xem xét doanh nghiệp đó có khả năng vượt qua hay không rồi cho vay mới để tiếp tục hoạt động nhằm có thu nhập trả nợ cũ và nợ mới, nếu không khoản vay rơi vào nợ xấu và ngân hàng sẽ lãnh đủ.

Bên cạnh đó, TS. Hiếu cũng đặt vấn đề về việc Chính phủ cho phép gia hạn, hoán đổi thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu mới, còn các trái phiếu đã đến hạn thanh toán, doanh nghiệp rất khó thuyết phục nhà đầu tư hoán đổi phương thức thanh toán. Vì có thể trái chủ chỉ mong sớm thu hồi vốn.

“Tôi nghĩ rằng chính phủ nên đưa ra một chương trình hoãn nợ, cho phép tất cả các nhà phát hành hoãn nợ trong vòng từ một cho đến hai năm", TS. Hiếu nhận định.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp trước mắt là Chính phủ có thể xem xét việc ban hành quy định trong vòng 2 năm, trái chủ không yêu cầu tòa án công bố doanh nghiệp chưa thanh toán trái phiếu phá sản. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho những đơn vị phát hành trái phiếu nghiêm chỉnh. Khi đó, doanh nghiệp mới có thời gian tái cơ cấu, phát hành trái phiếu mới tiếp tục hoạt động, tích lũy nguồn thu để trả nợ.

"Ngoài ra, để phá băng bất động sản thông qua kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ cần tính đến gói cho vay cố định lãi suất thấp trong nhiều năm. Khi đó, doanh nghiệp đầu tư xây dựng lẫn người mua nhà mới có động lực tham gia chương trình nhà ở xã hội, tạo sức bật cho thị trường bất động sản phát triển bền vững"- TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vẫn còn những “khoảng trống” của thị trường bất động sản sau Nghị quyết 33/NQ-CP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO