Sáng 19/4, chia sẻ tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra tại Hà Nội, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia nhận định về góc độ tài chính doanh nghiệp, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng các ngân hàng thương mại nên phân tích nền tảng tài chính của từng tập đoàn bất động sản. Sau đó, ngân hàng có thể cho vay mới đối với cả nhà đầu tư lẫn người mua.
Việc đánh giá có thể dựa trên tài sản đảm bảo hoặc tài sản có tiềm năng đảm bảo nhưng chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Các yếu tố khác như khả năng trả nợ trong ngắn hạn, trung hạn và năng lực quản trị điều hành của bộ máy cũng là những căn cứ để ngân hàng quyết định việc cơ cấu lại nợ.
"Cần xác định giá cả để cơ cấu lại nợ trái phiếu doanh nghiệp theo định hướng của Nghị định 65 sửa đổi", ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng doanh nghiệp nên đàm phán với các nhà đầu tư về việc hoán đổi tài sản để thanh lý trái phiếu doanh nghiệp, thanh lý bớt dự án để trả nợ. Trường hợp tài sản có khả năng thanh toán cao bị suy giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp phải chấp nhận chịu phá sản.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng khẳng định rằng doanh nghiệp không thể chỉ ngồi im chờ đợi. Thay vì đó, các đơn vị cần nỗ lực tự vận động, thậm chí phải chấp nhận thanh lý tài sản để xử lý nợ cũng như các vướng mắc của mình.
Doanh nghiệp bất động sản đang “khó chồng khó”
Thực tế cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang nằm trong thế khó khăn chồng chất cả về thanh khoản cũng như dòng tiền.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Việt Nam cho biết TP.HCM hiện có 116 dự án bị vướng mắc trong khâu thủ tục cấp phép dự án. Công ty này cho rằng các quy định hiện nay còn thiếu nhất quán và chưa giải quyết triệt để các vấn đề đất công, đất xen cài… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong số nhiều lý do kìm chân sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, theo ông Thắng, áp lực từ thị trường vốn cũng rất lớn khi lãi suất cho vay dù có xu hướng giảm, nhưng hiện vẫn dao động 11-15% cho khoản vay trung, dài hạn.
“Nhiều người đã từ bỏ việc mua nhà vì lãi suất quá cao. Cả nguồn cung lẫn cầu đều suy giảm, phân khúc cao cấp chiếm hơn 60% tổng nguồn cung. Trong khi đó, lượng căn hộ hạng C lại trong tình trạng khan hiếm, gần như biến mất khỏi thị trường”, ông Võ Hồng Thắng nhận định.
Trong khi thanh khoản trên thị trường đang xuống thấp thì theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia mặt bằng giá bất động sản hiện nay hiện nay lại đang ở mức cao dù các chủ đầu tư đã mạnh tay tăng chiết khấu.
“Việc thiếu nguồn cung, chi phí làm dự án lớn, chi phí đầu vào tăng cùng với việc “thổi giá” của các bên trung gian đã khiến giá bất động sản Việt Nam cao hơn so với thu nhập người dân, lên đến 23,5 năm đối với người có thu nhập trung bình. Con số này tương đương với Thái Lan nhưng cao hơn nhiều so với mức 18,5 năm của Indonesia, 9,2 năm của Ấn Độ và 8,1 năm của Malaysia”, ông TS. Cấn Văn Lực nhận định.