Nội dung chính:
- Theo nguồn tin của tờ Than Sethakit, Chính phủ Lào đã đồng ý giao cho các doanh nghiệp Trung Quốc 12 nghìn hecta đất nông nghiệp với mục đích duy nhất là trồng sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân. Diện tích này bằng 38% diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam.
- Tuyến đường sắt cao tốc Vientiane – Côn Minh nối từ thủ đô của Lào sang thủ phủ tỉnh Vân Nam - điểm tập kết sầu riêng từ Đông Nam Á lớn nhất tại Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để sầu riêng đến tay người tiêu dùng một khi được phép xuất khẩu chính ngạch sang nước này.
Tháng 4/2018, chỉ trong 60 giây, người dân Trung Quốc đã mua sạch 80 nghìn trái sầu riêng trên Alibaba, sau thành công của thỏa thuận bán hàng giữa hãng thương mại điện tử và các nhà cung cấp Thái Lan.
“Cơn sốt sầu riêng” ở Trung Quốc đã khiến nông dân nhiều nước Đông Nam Á đổ xô trồng loại trái cây này.
Diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam đã lên tới khoảng 80.000 ha trong khi quy hoạch vùng trồng đến năm 2030 chỉ ở mức 65.000 - 75.000 ha, theo Bộ Nông nghiệp.
Do giá trị kinh tế cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư trồng thương mại hơn 2 nghìn hecta sầu riêng ở các khu vực phía Nam tỉnh Hải Nam và Quảng Đông nước này.
Trung Quốc đầu tư vào sầu riêng “made in Laos”
Vì hạn chế về diện tích khu vực có thể canh tác sầu riêng - giống cây ưa mưa nhiều và nắng quanh năm, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mở rộng vùng trồng sầu riêng sang Lào.
Năm 2021, họ đã nhắm mục tiêu thuê từ 3,2-4,8 nghìn hecta đất vùng lân cận thủ đô Vientiane, theo Produce Report.
Theo nguồn tin của tờ Thái Lan Than Sethakit, chính phủ Lào đã đồng ý giao cho các doanh nghiệp Trung Quốc 12 nghìn hecta đất nông nghiệp với mục đích cụ thể là trồng sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân.
Diện tích đầu tư này bằng khoảng 15% diện tích trồng sầu riêng hiện nay của Việt Nam.
Lào có mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười, nhiệt độ trung bình năm khoảng 26 độ C, khá giống với Việt Nam. Tuy nhiên nông dân nước này mới chỉ trồng đại trà sầu riêng hơn 10 năm gần đây, chủ yếu ở các vùng đồng bằng màu mỡ phía Nam.
Đất chưa canh tác còn nhiều, cùng với giá thuê đất và nhân công rẻ khiến các công ty sản xuất trái cây Trung Quốc từ lâu đã để mắt đến quốc gia này.
Tính đến năm 2020, tổng cộng có 239 công ty Trung Quốc đầu tư 590 triệu USD vào nông lâm nghiệp ở Lào, khiến Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực này.
Cùng với hiệp định thương mại song phương Trung-Lào 2020, nông sản của Lào cũng hưởng nhiều chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu.
Sầu riêng Lào sẽ “đi tàu”
Đặc biệt hơn cả, tuyến đường sắt Vientiane – Côn Minh nối từ thủ đô của Lào sang thủ phủ tỉnh Vân Nam - điểm tập kết sầu riêng từ Đông Nam Á lớn nhất tại Trung Quốc, sẽ là con đường thuận tiện nhất để đưa sầu riêng “made in Laos” đến tay người tiêu dùng.
Tàu cao tốc “viên đạn” (màu xanh lá) trên tuyến Vientiane – Côn Minh chụp từ trên không tại trạm Mohan, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Tuyến đường sắt Vientiane – Côn Minh dài hơn 1.000 km, với vận tốc lên đến 120km/ giờ, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển trái cây.
Các thương nhân sản xuất và buôn bán trái cây Trung Quốc, với lợi thế kinh nghiệm kinh doanh ở Lào càng khiến thủ tục xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia nhanh chóng hơn.
Tuyến tàu cao tốc này cũng có phần mở rộng kết nối Lào với Thái Lan, đưa sản phẩm của nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc đến điểm tập kết tại tỉnh Vân Nam.
Đến nay Lào vẫn chưa được phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, diện tích đất đầu tư, hạ tầng sẵn có và sự hợp tác thương mại giữa hai chính phủ cho thấy xu hướng tăng nguồn cung sầu riêng nhập vào Trung Quốc từ đất nước Đông Nam Á này.
Việt Nam có bị đe dọa?
Trong số các quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế về vận chuyển đường bộ hơn cả.
“Nếu vận chuyển bằng đường bộ thì Việt Nam sẽ nhanh hơn Thái Lan ít nhất một ngày, ngoài ra sầu riêng Việt Nam sẽ chín già hơn, tươi hơn so với hàng Thái”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, chủ tịch Công ty CP Bagico (Bắc Giang) cho biết.
Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ thay đổi nhiều khi sầu riêng của Lào đạt sản lượng ổn định và được vận chuyển bằng tàu cao tốc.
Trong khi đó, hầu hết sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc là bằng xe container qua cửa khẩu Lào Cai và một số cửa khẩu phía Bắc. Nếu đi đường biển, thời gian vận chuyển còn kéo dài hơn nữa.
Dù có lợi thế về vận chuyển nhưng theo Produce Report, sầu riêng “made in Laos” vẫn còn một chặng đường dài phía trước khi kỹ thuật canh tác còn yếu, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngoài ra, cây sầu riêng phải mất 5-7 năm mới cho sản lượng ổn định.
Về giống, đến nay sầu riêng trồng ở Lào gồm hai giống chủ yếu là Monthong (tương tự giống phổ biến nhất ở Thái Lan) và sầu riêng bản địa. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cũng cho trồng thử nhiều giống khác bao gồm Musang King và Black Thorn.
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu phổ biến nhất là Ri6 và một số giống bản địa.