Tại cuộc họp cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2023, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), ông Nguyễn Đức Tài, đã có những chia sẻ thẳng thắn về cuộc chiến giá rẻ đang khiến các nhà bán lẻ thiết bị điện từ, công nghệ (ICT) đau đầu.
Mất lợi nhuận, MWG vẫn rất "hả hê" với cuộc chiến giá?
Không phủ nhận mất lợi nhuận do cạnh tranh về giá, nhưng theo ông Tài đổi lại MWG được nhiều thứ.
Thứ nhất, thị phần: ông Tài cho biết doanh thu chênh lệch trong mảng ICT giữa MWG và đối thủ tăng trở lại với khoảng 2.000 tỷ sau quý 3 vừa qua. Khả năng thu hút được khách hàng và gia tăng doanh số đang củng cố sự đúng đắn cho MWG khi phát động “cuộc chiến giá” này.
Thứ hai, riêng sản phẩm iPhone, theo MWG thì thị phần của hãng đã trên 50%. Sản lượng bán iPhone đã tăng gấp đôi trong tháng đầu tiên ra mắt dòng sản phẩm mới, mang về cho MWG tổng doanh thu 2.100 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 29/9 đến 31/10/2023.
Với những “chiến tích” trên, ông Tài khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ, nhưng sẽ có điều chỉnh. Công ty sẽ phối hợp chặt với các hãng để đem đến những sản phẩm vượt trội hơn, độc quyền, giá cạnh tranh hơn và các sản phẩm vệ tinh như phụ kiện, gia dụng.
“Với sự tiếp sức từ hãng, MWG vẫn sẽ sống khoẻ còn các đối thủ giờ chỉ thở thôi”, ông Tài chia sẻ.
"Người trong cuộc mệt, khách cũng mất vui"
Ở phía ngược lại, cuộc chiến giá này ngay từ đầu đã bị các bên phản đối, cho rằng là cuộc chiến vô nghĩa và “lose-lose”.
“Trải qua hơn 6 tháng kể từ khi phát động cuộc chiến giá, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lao vào cuộc đua khiến việc kinh doanh thêm lao đao, thua lỗ. Người trong cuộc “mệt”, khách cũng mất vui. Cuộc chiến giá khiến lợi nhuận bị bào mòn, trước có lợi cho khách, nhưng lâu dài ảnh hưởng đến toàn ngành. Sau thời gian chiến giá đến hiện nay, doanh nghiệp trong cuộc nói gì, có chiến nữa không, nếu kéo dài thì sao…”, một doanh nghiệp trong ngành đánh giá.”
Thực tế cho thấy, lợi nhuận của nhóm ICT sụt giảm nghiêm trọng, không chỉ do cầu yếu mà cuộc chiến giá đã và đang “ăn mòn” lợi nhuận kinh doanh. Thống kê BCTC của các bên cho thấy, MWG là “nạn nhân” chịu ảnh hưởng nặng nhất khi lợi nhuận “rơi” gần như dựng đứng. Từ mức lợi nhuận 1.000 tỷ chỉ còn vài chục tỷ đồng/quý.
Quý 3/2023, doanh thu thuần của MWG đạt gần 30.300 tỷ đồng, chỉ giảm 5% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng chỉ đạt 39 tỷ đồng, giảm tới 96%. Biên lãi ròng của MWG chỉ đạt 0,13% trong quý 3/2023, chỉ cao hơn quý 2/2023 (0,06%) và quý 1/2023 (0,07%). Đây là ba quý ghi nhận biên lợi nhuận ròng thấp nhất của MWG kể từ khi niêm yết trên sàn năm 2014. Giai đoạn bình thường, chỉ số này của doanh nghiệp đạt khoảng 3-4%.
May mắn, điểm "gỡ" lại kết quả kinh doanh cho MWG đến từ doanh thu hoạt động tài chính, đạt 619 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm cuối tháng 9, MWG có hơn 20.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 70% so với đầu năm. Nếu không có khoản này, có thể MWG đã thua lỗ.
DN khác cũng lao đao. Trong đó, “đối thủ” đáng gờm là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số (FPT Retail, FRT) đạt 8.236 tỷ doanh thu trong quý 3, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên do chi phí lớn (riêng chi phí bán hàng chiếm 1.029 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ) nên lợi nhuận trước thuế của FPT Retail chỉ đạt 1,4 tỷ đồng. Petrosetco (PET), Digiworld (DGW) cũng giảm đáng kể lợi nhuận.
FRT tuyên bố rút khỏi cuộc chiến giá
Hiện, phía đơn vị chủ quản là FPT Retail (FRT) cho biết không sa đà vào cuộc chiến giá, mà kiên trì theo đuổi chiến lược tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ. Công ty đã triển khai các chương trình như: triển khai hệ thống khách hàng thân thiết FPT Loyalty, mở rộng Trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple - F.Care by FPT, mở các cửa hàng chuyên doanh sản phẩm mới Samsung S.Studio by FPT, Garmin Store…
Đáng chú ý, FPT Shop đang triển khai đặc quyền “2 năm bảo hành, không lo mất giá” cho khách hàng chọn sở hữu iPhone 15 series. FRT cho biết đã theo dõi và phân tích kỹ thói quen tiêu dùng của khách hàng với dòng sản phẩm ‘Táo Khuyết’ để mang đến gói dịch vụ có thể gia tăng tối đa quyền lợi dành cho khách hàng. Theo đó, với ‘2 năm bảo hành’, khách hàng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí sửa chữa nếu chẳng may máy bị lỗi, trong thời gian đến 24 tháng.
“Ví dụ, nếu điện thoại bị lỗi màn hình sau khi đã hết 1 năm bảo hành đầu tiên, khách hàng sẽ được sửa không mất phí thay vì phải bỏ ra đến 10 triệu đồng).
Không dừng lại ở đó, trong trường hợp khách hàng muốn bán iPhone 15 series đã qua sử dụng cũng sẽ bán được giá cao hơn từ 1,5 – 2 triệu vì máy đang có thời gian bảo hành dài hơn so với máy chỉ có 1 năm bảo hành thông thường. Như vậy, thay vì phải mua gói AppleCare+ có giá 5,3 triệu đồng/năm, khách hàng chỉ cần bỏ thêm 500.000 đồng là đã có thể hưởng thêm 1 năm bảo hành từ FPT Shop với những quyền lợi tương đương”, đại diện nói thêm.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số tại các chuỗi nhằm tăng trải nghiệm khách hàng. Về lâu dài, FRT vẫn ưu tiên về chất lượng và trải nghiệm khách hàng, bởi theo hãng đây mới chính là điều giữ chân khách hàng.
Bên cạnh đó, FRT sẽ triển khai dịch vụ mạng di động ảo (MVNO) để cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng và phát huy lợi thế hệ sinh thái của cả Tập đoàn FPT với nhiều lĩnh vực liên quan từ bán lẻ đến internet, truyền hình, thương mại điện tử đến dịch vụ truyền thông, giáo dục đào tạo. Công ty dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ chính thức ra thị trường vào đầu năm 2024.