Trung Quốc tung kỷ lục 42 tỷ USD để người dân đổi điều hòa, máy giặt, tủ lạnh, iPhone... mới

Vũ Anh | 13:47 14/07/2025

Đằng sau cơn sốt mua sắm đó là một nỗi lo âm ỉ.

Trung Quốc tung kỷ lục 42 tỷ USD để người dân đổi điều hòa, máy giặt, tủ lạnh, iPhone... mới

Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện một trong những chiến dịch kích thích tiêu dùng lớn nhất từ trước tới nay, với tâm điểm là các khoản trợ cấp giúp người dân đổi thiết bị cũ lấy thiết bị mới. Từ máy giặt, tủ lạnh, điều hòa, cho đến ô tô điện và cả iPhone, tất cả đều nằm trong danh mục được trợ giá.

Theo The New York Times, tổng quy mô của gói hỗ trợ này đã lên tới hơn 42 tỷ USD – một con số khổng lồ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang bị đè nặng bởi tăng trưởng chậm, khủng hoảng bất động sản và niềm tin người tiêu dùng xuống thấp.

Tác động trước mắt của chính sách là rất rõ ràng. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 5/2025 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng mạnh nhất trong nhiều tháng. Các cửa hàng điện máy, trung tâm thương mại và đại lý xe điện chứng kiến lượng khách tăng đột biến. Một số địa phương như Ôn Châu và Trùng Khánh thậm chí phải kéo dài thời gian áp dụng voucher đổi hàng vì người dân đổ xô đi mua sắm quá đông. Lần đầu tiên, chính phủ còn áp dụng trợ giá cho cả smartphone – một động thái được xem là “chìa khóa” để thúc đẩy tâm lý mua sắm ở giới trẻ.

Thế nhưng, đằng sau cơn sốt mua sắm đó là một nỗi lo âm ỉ. Chuyện gì sẽ xảy ra khi các khoản trợ cấp này kết thúc?

Bài toán mà Trung Quốc đang đối mặt không chỉ đơn thuần là làm sao để kích cầu trong ngắn hạn, mà còn nhằm duy trì động lực tiêu dùng trong dài hạn. Bản chất các chương trình đổi hàng là “mượn tiêu dùng của tương lai để giải cứu hiện tại”. Khi người dân đã thay máy lạnh, tủ lạnh, hay điện thoại trong năm nay, họ sẽ không cần mua lại những món này trong vài năm tới. Chính phủ buộc phải chấp nhận nguy cơ hụt cầu nghiêm trọng trong tương lai gần.

screenshot-2025-07-14-at-14.45.09.png

Ngoài ra, vẫn tồn tại một thực tế rằng một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay không hề có nhu cầu chi tiêu bất chấp các gói kích cầu. Zhan Demi – một nhân viên văn phòng tại Thiên Tân – dù được giảm giá đến 20% cho các sản phẩm gia dụng mới, vẫn do dự không mua vì lo ngại thu nhập trong tương lai. Thay vì đi ăn nhà hàng, cô vẫn chọn tự nấu ở nhà. Thay vì đổi điện thoại, Demi dùng lại điện thoại cũ của con trai. Tâm lý này phổ biến đến mức nhiều nhà kinh tế gọi đây là “kỷ nguyên tiết kiệm mới”.

Nguyên nhân sâu xa đến từ cuộc khủng hoảng bất động sản chưa hồi kết. Người dân Trung Quốc vốn có truyền thống đổ tiền vào nhà đất như một cách tích sản. Khi thị trường này đổ vỡ, tài sản mất giá, nhiều gia đình rơi vào trạng thái “tài sản âm” – tức là số tiền nợ còn nhiều hơn giá trị căn nhà họ đang sở hữu. Trong bối cảnh như vậy, ngay cả khi chính phủ cố gắng kích thích tiêu dùng, nỗi bất an tài chính vẫn là rào cản lớn.

Goldman Sachs đồng thuận rằng hiệu quả từ chính sách trợ giá chỉ mang tính ngắn hạn. Theo tính toán của Nomura, tăng trưởng bán lẻ nửa cuối năm 2025 có thể sẽ chững lại, thậm chí giảm nếu các ưu đãi bị cắt. Họ lo ngại về một viễn cảnh nơi mà sau khi cơn sốt mua sắm qua đi, thị trường sẽ rơi vào trạng thái nguội lạnh.

Chính quyền Trung Quốc dĩ nhiên không đứng yên. Song hành với chính sách đổi thiết bị, họ cũng thử nghiệm các hình thức kích cầu mới, như trợ cấp tiền mặt cho các gia đình có con nhỏ, tăng lương cho công chức và mở rộng tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp cho người dân mua sắm sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Những biện pháp này cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực tạo ra các kênh hỗ trợ tiêu dùng mang tính bền vững hơn, thay vì chỉ dựa vào trợ giá trực tiếp. 

screenshot-2025-07-14-at-14.45.04.png

Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của các chính sách vẫn còn là dấu hỏi, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ Mỹ và các nền kinh tế phát triển. Nếu tiêu dùng nội địa không thể duy trì đà tăng bền vững, nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào cái bẫy tăng trưởng thấp kéo dài.

Kịch bản tồi tệ nhất là khi người dân đã mua đủ mọi thứ nhờ trợ giá, nhưng rồi lại quay về trạng thái tiết kiệm vì không có niềm tin vào tương lai kinh tế. Khi ấy, không chỉ ngành bán lẻ mà cả ngành sản xuất, chuỗi cung ứng và thị trường lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp sẽ cắt giảm sản lượng, sa thải lao động và điều này tiếp tục làm xói mòn niềm tin tiêu dùng – một vòng xoáy tiêu cực khó dừng.

Như vậy, chương trình trợ cấp tiêu dùng của Trung Quốc đang đem lại những con số đẹp trong ngắn hạn, nhưng ẩn chứa không ít rủi ro trong dài hạn. Nếu không đi kèm với cải cách hệ thống an sinh xã hội, chính sách ổn định việc làm, nước này vẫn sẽ khó lòng tạo ra một thị trường tiêu dùng thực sự mạnh mẽ và bền vững.

Theo: The New York Times 


(0) Bình luận
Trung Quốc tung kỷ lục 42 tỷ USD để người dân đổi điều hòa, máy giặt, tủ lạnh, iPhone... mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO