Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Rủi ro lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đến từ việc các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu nhưng vẫn mua khi được nhân viên môi giới “rót mật vào tai” bằng lợi ích và sự bảo đảm khi sở hữu khoản cho vay này.
Tại thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm hơn 10% giá trị TPDN nắm giữ. Tỷ lệ này tăng lên mức 32,6% - theo số liệu được Bộ Tài chính công bố - do các tổ chức (ngân hàng, công ty chứng khoán) bán lại cho nhà đầu tư cá nhân.
Tỷ lệ nắm giữ TPDN của nhà đầu tư cá nhân đạt mức 32,6%, phần lớn là mua trung gian. (Nguồn: FiinRatings, Bộ Tài chính)
Quy trình chào bán TPDN đang tồn tại nhiều sai phạm. Mới đây, Chứng khoán Tiên Phong đã bị phạt tiền 125 triệu đồng do chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.
Hay như Chứng khoán An Bình bị phạt 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được.
Trên các mạng xã hội, xuất hiện hiện tượng môi giới của một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính mời chào người dân mua TPDN như một hình thức gửi tiết kiệm, đi kèm dịch vụ hỗ trợ “lách” luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức phí 2-3 triệu đồng. Nhiều người cũng cho biết họ liên tục nhận được những lời chào mời mua TPDN qua điện thoại, Zalo…
Hàng loạt hội nhóm “vàng thau lẫn lộn” trao đổi thông tin về trái phiếu.
Bị siết chặt kênh tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản tìm các nguồn vốn thay thế, trong đó có TPDN.
Vụ việc 10.300 tỷ đồng trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, những người hầu như không có lợi thế trong đàm phán khi xảy ra sự cố.
Giờ đây, những nhà đầu tư sở hữu trái phiếu của Tân Hoàng Minh chỉ có thể chờ được trả tiền như lời hứa hẹn của doanh nghiệp mà không có gì chắc chắn.
Hành lang pháp lý cản trở nhà đầu tư nghiệp dư
Trước nay, hoạt động mua bán trái phiếu diễn ra theo 2 phương thức chính: sơ cấp và thứ cấp. Nhìn vào số liệu, có đến 69% nhà đầu tư cá nhân mua TPDN ở thị trường thứ cấp, thông qua các kênh trung gian như tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán.
Ảnh minh họa.
Bản chất trái phiếu là khoản tiền nhà đầu tư cho doanh nghiệp vay có kỳ hạn và sẽ được nhận lãi định kỳ. Nhà đầu tư cá nhân không chuyên khi được mời chào mua TPDN dễ lầm tưởng đây là một dạng gửi tiết kiệm lãi suất cao mà không lường trước được những rủi ro đi kèm.
Để kiểm soát rủi ro trước tình trạng trên, Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã ban hành quy định về kiểm định tư cách nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp - người được phép mua TPDN phát hành riêng lẻ.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch phải đạt giá trị bình quân tối thiểu 2 tỷ đồng trong thời gian tối thiểu 06 tháng liền kề, không bao gồm giá trị vay ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Kết quả xác nhận nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sẽ có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày xác định.
Yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ giúp họ được bảo vệ nhiều hơn khi có cơ chế báo cáo và trách nhiệm cam kết cao hơn, với quyền biểu quyết các vấn đề liên quan đến TPDN do họ sở hữu - theo nhận định từ FiinRatings.
Theo quy định, nhà đầu tư không chuyên chỉ có thể mua trái phiếu phát hành ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán, hoặc chuyển sang mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư.
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á, trong quý II/2022, thị trường trái phiếu của Việt Nam tăng 8,1% so với quý trước (2,4%) - mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực Đông Á mới nổi, nhờ đà tăng ở cả phân khúc trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp.
Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tính đến tháng 8/2022. (Nguồn: Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam)
Tăng trưởng mạnh mẽ sẽ đi cùng với rủi ro leo thang, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu. Vì vậy các quy định sửa đổi, bổ sung kỳ vọng xây dựng thị trường TPDN an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn.